Bộ Y tế quyết liệt giảm quá tải bệnh viện

Ngày 21-8 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai đề án bệnh viện (BV) vệ tinh và góp ý dự thảo Thông tư quy định phân tuyến, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc phê duyệt đề án BV vệ tinh, thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và tới đây việc ban hành thông tư quy định về phân tuyến, chuyển tuyến sẽ là những giải pháp căn cơ giúp giảm tình trạng quá tải BV đã gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Phân tuyến theo từng loại bệnh

Theo dự thảo thông tư được đưa ra lấy ý kiến, căn cứ vào yêu cầu tối thiểu về năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực KCB để phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Theo đó, sẽ có bốn tuyến chuyên môn kỹ thuật bao gồm: Tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và cuối cùng là tuyến xã.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, cho biết Bộ Y tế đã xây dựng danh mục các bệnh phân theo từng tuyến cụ thể, những bệnh nào phải điều trị ở tuyến huyện, những bệnh nào được chuyển lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương. “Cơ sở KCB phải thực hiện các kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật tương ứng. Theo đó, tuyến trên hạn chế việc thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở KCB tuyến dưới đã thực hiện được. Ví dụ, BV tỉnh Phú Thọ được chuyển giao máy móc và kỹ thuật điều trị ung thư thì BV Bạch Mai (Hà Nội) không được nhận những bệnh nhân ung thư quê Phú Thọ. Trừ trường hợp cấp cứu, đào tạo thực hành hoặc thuộc một phần các quy trình kỹ thuật tuyến trên thì được nhận điều trị” - thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Y tế quyết liệt giảm quá tải bệnh viện ảnh 1

Nhiều người dân có tâm lý đưa con em chữa bệnh vượt tuyến để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, gây ra tình trạng quá tải tuyến trên. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) Ảnh: HTD

Bổ sung thêm nội dung này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, lấy ví dụ: “Chẳng hạn trong sản khoa quy định phẫu thuật lấy thai cắt tử cung trong chứng nhau cài răng lược thì chỉ thực hiện ở BV tuyến trung ương vì đòi hỏi kỹ thuật cao. Hay đỡ đẻ ngôi ngược thì phải chỉ định chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến khích cơ sở KCB phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật và thực hiện tốt các kỹ thuật tuyến trên”.

Bà Xuyên nhấn mạnh thêm, trong mấy năm gần đây, các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh được đầu tư rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như nguồn nhân lực. “Vấn đề còn lại là tâm lý người dân. Vì vậy phải tuyên truyền làm sao để người dân thấy được tuyến dưới cũng làm rất tốt, không kém gì tuyến trên. Có như vậy tình trạng quá tải BV mới được khắc phục” - bà Xuyên nói.

Quy định rõ việc chuyển tuyến

Dự thảo thông tư về chuyển tuyến có nhiều đổi mới để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Ngoài trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên là đã có, thông tư bổ sung thêm chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới và chuyển giữa các cơ sở y tế có cùng hạng, chuyển từ BV thuộc các tỉnh khác nhau, các khu vực khác nhau. Người bệnh đã được chẩn đoán xác định, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, tình trạng bệnh thuyên giảm thì cơ sở KCB tuyến trên chuyển người bệnh về tuyến dưới phù hợp. Theo đó, người bệnh chuyển tuyến theo đúng trình tự sẽ được BHYT thanh toán mức tối đa cho từng loại bệnh.

Theo nhiều đại biểu, vấn đề chuyển tuyến là vấn đề nóng của ngành y tế, nhiều người bệnh sẵn sàng vượt tuyến để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, gây ra tình trạng quá tải tuyến trên. Điều tra của Bộ Y tế cho thấy có đến 60% bệnh nhân điều trị tuyến trên là không cần thiết, trong khi BV tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị tốt.

Thắc mắc về một điểm trong thông tư là chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB trên địa bàn giáp ranh do giám đốc Sở Y tế các tỉnh quy định, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc BV Đa khoa Mai Châu (Hòa Bình) cho rằng Bộ Y tế nên có ràng buộc giữa các tỉnh với nhau. Bởi lẽ “trên thực tế mỗi tỉnh lại giáp ranh với vài ba tỉnh khác, thế nên mỗi tỉnh phải tổ chức cuộc gặp với ba tỉnh giáp ranh. Như vậy 63 tỉnh sẽ phải tổ chức hàng trăm cuộc gặp để thảo luận về việc chuyển tuyến!” - ông Cường lưu ý.

Một số đại biểu lo ngại các BV tuyến dưới vì không muốn mất quỹ BHYT nên thường giữ những bệnh nhân nặng, không chuyển lên tuyến trên kịp thời, làm ảnh hưởng quyền lợi của người mua BHYT. Trả lời câu hỏi này, bà Xuyên cho rằng thông tư quy định rất rõ việc chỉ định chuyển tuyến cho từng loại bệnh hoặc những bệnh vượt quá khả năng của cơ sở thì cũng phải chuyển tuyến.

Hơn 1.700 tỉ đồng xây dựng BV vệ tinh

48 BV vệ tinh thuộc 14 BV hạt nhân sẽ được đầu tư, nâng cao năng lực KCB thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và cải thiện cơ sở vật chất. Đây là mục tiêu chính của đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2015 được Bộ Y tế triển khai sáng 21-8, tại Hà Nội.

Theo Bộ Y tế, kinh phí thực hiện đề án dự kiến là hơn 1.700 tỉ đồng. Chủ yếu ưu tiên hàng đầu là năm chuyên khoa đang quá tải: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, KCB từ xa qua công nghệ thông tin. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ tin tưởng sau ba năm các BV vệ tinh sẽ thực hiện được các gói kỹ thuật cao đã chuyển giao. Đội ngũ nhân lực của ngành cũng sẽ trưởng thành hơn về kỹ thuật nhằm phục vụ tốt công tác KCB cho người dân ở tuyến cơ sở, giảm hẳn tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến.

_____________________________________________

Cần quy định chặt chẽ chuyển tuyến không theo trình tự sẽ không được thanh toán BHYT. Hiện nay, người bệnh chuyển tuyến vẫn được BHYT đồng chi trả. Điều này khiến người bệnh sẵn sàng mất tiền để vượt tuyến, gây ra tình trạng quá tải tuyến trên.

Giám đốc BV Xanh-Pôn (Hà Nội) NGUYỄN PHẠM Ý NHI

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm