BHYT khám ngoại trú phải đóng tạm ứng?

Thông báo này đã khiến nhiều bệnh nhân bất ngờ bởi ở các bệnh viện khác không yêu cầu như vậy, hơn nữa có người mang theo không đủ tiền phải gọi người nhà mang tiền đến.

“Do BV quận Tân Phú đang sửa chữa nên họ chuyển mẹ tôi sang đây khám. Thẻ BHYT mẹ tôi đến 31-12 mới hết hạn nhưng họ bảo phải tạm ứng mới giải quyết, tôi thấy kỳ quá” - một nữ thân nhân bệnh nhân nói. Cũng theo người này, chị chỉ mang theo 20.000 đồng, vì bình thường mẹ của chị chỉ đồng chi trả từ 8.000 đến 10.000 đồng tiền thuốc, số còn lại gửi xe cũng còn dư. Không ngờ hôm nay bệnh viện lại bắt đóng tiền tạm ứng.

Giải thích vấn đề này, BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết việc tạm ứng là chuyện bình thường, đặc biệt là tạm ứng với người có thẻ BHYT gần hết hạn sử dụng. Sau khi khám, chữa bệnh xong, bệnh viện sẽ thanh toán lại cho người bệnh nếu chi phí đồng chi trả còn dư. Tránh trường hợp bệnh nhân vào khám đã đời rồi về không nhận lại sổ làm cho bệnh viện thất thu và bệnh viện cũng không biết nắm cái gì. Vấn đề bệnh nhân đi khám bệnh có tiền hay không thì phải tự xoay xở, trách nhiệm này không thuộc bệnh viện. Đây chỉ là tạm ứng thôi chứ không phải chiếm dụng. Bệnh nhân có thắc mắc cần gặp lãnh đạo bệnh viện để được giải thích cho rõ” - BS Chiến nói.

BHYT khám ngoại trú phải đóng tạm ứng? ảnh 1

Bệnh nhân thanh toán tiền khám, chữa bệnh BHYT tại BV Cấp cứu Trưng Vương. Ảnh: TÙNG SƠN

Theo lãnh đạo một bệnh viện khác, việc tạm ứng với bệnh nhân nội trú thì đúng. Còn với bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú, thẻ BHYT còn hiệu lực không có lý do gì bắt họ đóng tiền tạm ứng. Ví dụ một bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, thông thường sẽ được ghi toa thuốc một tháng, nếu thẻ BHYT còn hiệu lực 10 ngày thì bác sĩ chỉ kê toa 10 ngày. Điều này hơi bất tiện cho nhân viên nhưng vẫn phải làm.

BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, cho rằng hầu hết người có thẻ BHYT hiện nay phải đóng 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT khi đi khám, chữa bệnh (nếu chi phí lớn hơn 15% tháng lương tối thiểu). Việc thu tạm ứng tại BV Cấp cứu Trưng Vương có thể là biện pháp quản lý thu viện phí đồng chi trả. Tuy nhiên, Bảo hiểm Xã hội TP sẽ tìm hiểu rõ và phối hợp cùng bệnh viện nghiên cứu quy trình thu viện phí đồng chi trả thuận lợi hơn.

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHYT

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như trên tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá ba năm thực hiện Luật BHYT và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh của Luật do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 10-12.

Theo bộ trưởng, qua ba năm thực hiện Luật BHYT, tỉ lệ bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng, nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… đều được đảm bảo chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, tỉ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Nguyên nhân do chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện khám, chữa bệnh, vướng mắc trong thanh toán. Trong đó việc chỉ đạo không đồng bộ, không thống nhất giữa Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội về sử dụng thẻ, chuyển viện, đấu thầu thuốc… khiến các bệnh viện lúng túng.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đề nghị bổ sung và sửa đổi Luật BHYT để phù hợp với thực tiễn trong 7-10 năm tới. Theo đó, luật sửa đổi, bổ sung sẽ hướng đến ba mục tiêu chính: Tăng tỉ lệ người tham gia BHYT; người có BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng y tế cũng nâng cao hơn. Luật sửa đổi, bổ sung đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa ba bên là người bệnh có BHYT, cơ sở cung ứng dịch vụ và quỹ BHYT. Theo bộ trưởng, việc đảm bảo khả năng chi trả và an toàn cho quỹ BHYT là cần thiết nhưng cũng phải góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế trực tiếp lên túi tiền của người dân.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm