Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không truyền nhầm máu

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tại thời điểm Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, kết quả định nhóm máu của sản phụ là AB (với các phương pháp thông thường). Tuy nhiên khi làm các xét nghiệm sâu hơn thì nhóm máu của bệnh nhân là B. Vì thế, theo ông Hùng kết quả xác định nhóm máu tại thời điểm đó của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không sai. Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cũng không sai.

Lý giải về kết quả khác nhau của hai bệnh viện này, tiến sĩ Hùng cho biết, bệnh nhân mất đến 1/3 lượng máu trong cơ thể một người bình thường nên phải truyền máu để bù. Lượng máu dự trữ tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây chỉ có 2-3 túi. Bệnh viện đã truyền hết số máu này nhưng tình trạng thiếu máu vẫn chưa được cải thiện.

“Không thể để bệnh nhân chết, Bệnh viện Sơn Tây đã huy động máu của người nhà và Bệnh viện 105. Vì không có thời gian đợi chiết tách hồng cầu (để hạn chế nguy cơ của việc truyền máu), nên Bệnh viện buộc phải truyền máu toàn phần, có cả huyết tương. Tổng lượng máu sản phụ Loan được truyền là hơn 5 lít (máu nhóm B), trong khi đó một người bình thường chỉ có 3,5-4 lít máu”, tiến sĩ Hùng nói.

Kết quả nhóm máu tại thời điểm ban đầu khác nhau theo ông Hùng, có nhiều khả năng. Thứ nhất là việc định máu tại thời điểm đó không chính xác vì bệnh nhân này được truyền máu quá nhiều, thay hơn một lần máu cộng thêm việc truyền cả huyết tương (có nhiều thành phần). Thứ hai, trong y văn cũng ghi nhận có khả năng con nhóm máu A, mẹ nhóm máu B, trong khi chuyển dạ, 1 lượng máu của con vào cơ thể mẹ nên xuất hiện máu A, tuy vậy khả năng này thấp.

“Xử trí của Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây về chuyên môn không sai. Truyền hơn 5 lít máu mà nhầm thì không ai cứu được. Kết quả định lại các túi máu phát ra để truyền do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương làm cũng đều là nhóm máu B”, tiến sĩ Hùng cho biết.

Bệnh nhân Loan được chẩn đoán bị sốc mất máu do rối loạn đông máu nặng. Thời gian chảy máu dài, chảy tất cả mọi nơi: vết mổ, đường mổ, da, chỗ tiêm truyền. Trước đó, bệnh nhân được mổ lần đầu lấy thai, lần thứ 2 cắt tử cung bán phần để cầm máu. Ngày 31/10, bệnh nhân tiếp tục được mổ lần 3 vì có khối máu tụ thành bụng và hố chậu phải. Hiện, bệnh nhân tỉnh, ăn uống bình thường, không có biểu hiện xuất huyết, tập vận động nhẹ nhàng trong phòng bệnh. Sản phụ Loan vẫn đang được theo dõi sát.

Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không truyền nhầm máu ảnh 1
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.P.

Trước đó, sản phụ 22 tuổi Nguyễn Thị Loan đến Bệnh viện Sơn Tây để khám và sau đó nhập viện vì bị rau tiền đạo. Tối ngày 21/10, bệnh nhân được mổ lấy thai và bị băng huyết. Bệnh viện đã truyền 16 bịch máu nhóm B, sau đó chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, kết quả định nhóm máu lại là AB, nên chị Loan được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ do truyền nhầm máu.

Rau tiền đạo là tình trạng bánh rau không bám ở vị trí bình thường mà bám thấp xuống vùng eo tử cung, bịt một phần hoặc toàn bộ đường ra của thai nhi. Đặc biệt, rau tiền đạo dễ gây chảy máu khi có sự bong tách, xóa mở cổ tử cung và có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Vì vậy nếu không được chẩn đoán trước và theo dõi tại bệnh viện để phẫu thuật kịp thời khi chuyển dạ, sản phụ có thể tử vong do mất máu.

Theo Nam Phương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm