Bến Tre: 230 người nhiễm cúm, bảy ca dương tính H1N1

Trong hai tuần qua, dịch bệnh trên bùng phát tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, có gần 230 người mắc các triệu chứng cảm cúm thông thường. Điểm đầu tiên xuất hiện dịch bệnh là Trường Tiểu học xã Giao Thạnh sau đó lan nhanh sang trường THCS, THPT, trường mẫu giáo và trong cộng đồng dân cư với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng… Qua kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM, phát hiện bảy ca dương tính với virus cúm A/H1N1.

Hiện nay ngành y tế vẫn chưa áp dụng phương án cách ly điều trị tập trung. Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết: “Chúng tôi chủ trương cho bệnh nhân cách ly, tự điều trị tại nhà. Bởi nếu tập trung các học sinh nghi nhiễm cúm vào khu vực cách ly không khéo sẽ lây lan cúm A/H1N1 vì có những học sinh chỉ mắc bệnh cảm cúm thông thường. Hiện các lớp có 2/3 học sinh bị bệnh, được phép nghỉ học trong một tuần, điều trị tại gia đình. Tại Trường Tiểu học Giao Thạnh có 7/21 lớp cho toàn bộ học sinh nghỉ học. Hiện nay các em đã khỏi bệnh tiếp tục trở lại trường. Chỉ còn khoảng 18 học sinh đang điều trị tại nhà.

Bến Tre: 230 người nhiễm cúm, bảy ca dương tính H1N1 ảnh 1

Bán hàng rong trước sân Trường Tiểu học Giao Thạnh cũng là một trong các tác nhân lây lan mầm bệnh cúm. Ảnh: T.PHÚC

Bác sĩ Thắng cho rằng có thể dịch bệnh xuất phát từ bốn giáo viên của Trường Tiểu học Giao Thạnh, được xét nghiệm bị nhiễm bệnh cúm A/H5N1 (trong tổng số bảy ca dương tính).

Chiều 28-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh do ông Trương Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo bốn huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách, ngành y tế và ngành giáo dục. Ông Nghĩa cho rằng trạm y tế và ban giám hiệu Trường Tiểu học Giao Thạnh thông báo bệnh chậm. Do vậy chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 15 đến 27-2, vài chục trường hợp bệnh cúm thông thường ban đầu đã nhanh chóng lây lan lên 228 ca. Và đáng lo ngại có bảy ca dương tính với virus cúm A/H1N1. Còn 50 ca Viện Pasteur đã lấy mẫu chưa có kết quả.

Theo bác sĩ Hồ Trung Tuyến, Trưởng khoa Dịch tể Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre, năm nay biểu hiện bệnh nhân mắc bệnh cúm không sốt cao như mùa dịch năm 2009. Việc khống chế khả năng lây lan mầm bệnh gặp rất nhiều khó khăn vì không thể ngăn chặn người dân có biểu hiện cảm cúm thông thường tự do đi lại, giao tiếp. Vấn đề cần tập trung hiện nay là ngành y tế cần phối hợp giám sát, bằng mọi cách ngăn chặn nguy cơ tử vong.

“Mùa dịch năm 2009, Bến Tre có sáu ca nhiễm cúm A/H1N1, tử vong do mắc thêm các triệu chứng như tiểu đường, cao huyết áp… Cần tuyên truyền nhân dân ý thức việc giữ ấm cơ thể, tăng sức đề kháng để lướt qua các triệu chứng của bệnh cảm cúm. Vận động người dân nếu có bệnh nên hạn chế đi xa, hạn chế giao tiếp… Và mặc dù tập trung tuyên truyền… cũng không làm người dân quá hoang mang” - bác sĩ Tuyến nói.

Phòng cúm A/H1N1, không tụ tập nơi đông người

Chiều 28-2, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre tiến hành cách ly bảy học sinh dương tính với cúm A/H1N1, cho tất cả học sinh của trường uống Tamiflu, đồng thời tiếp tục xét nghiệm những em có triệu chứng nhiễm cúm A/H1N1 và tuyên truyền phòng bệnh cho người dân.

Nhằm chủ động phòng dịch tốt hơn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không đến nơi tụ tập đông người. Các hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch trong bảy ngày qua phải tự theo dõi sức khỏe bản thân và thông báo với các cơ quan y tế để được tư vấn. Khi có hiện tượng người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A/H1N1 thì thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn. Đồng thời, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, sử dụng thường xuyên thuốc sát trùng đường mũi, họng, làm thông thoáng nơi ở, hạn chế sử dụng điều hòa, khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì cách ly với mọi người.

L.THANH

T.PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm