Bác sĩ về tuyến dưới: Nâng chất, giảm tải

TS-BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết các BS xuống tuyến dưới có thời hạn một năm và phải chấp hành quy định này.

Toàn BS “xịn”

TS-BS Phạm Việt Thanh cho biết các BV tuyến TP thu hút bệnh nhân do đã có “y hiệu” được xây dựng hàng chục năm qua. Trong khi đó, BV quận/huyện chưa được đầu tư đồng bộ về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Khảo sát của Sở Y tế cho thấy số BS quận/huyện chiếm 30% BS của TP nhưng đa số chưa được đào tạo hệ thống chuyên sâu. “Năm 2011, khám, chữa bệnh ngoại trú của 23 BV quận/huyện đạt 95% gần bằng BV tuyến TP nhưng điều trị nội trú chỉ chiếm 20%-21%. Tuy nhiên, BV quận/huyện chỉ khám bệnh thông thường, còn các bệnh nặng hơn thì bệnh nhân lên tuyến trên. Do đó, việc đưa BS xuống BV quận/huyện là một chủ trương đúng đắn” - ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, việc đưa BS tuyến trên về quận/huyện phải đạt được ba mục tiêu: Nâng cao năng lực tuyến quận/huyện - tạo lòng tin trong nhân dân; giảm tải cho tuyến trên và cuối cùng là giúp BV quận/huyện tự lực trên cơ sở đề xuất UBND TP tập trung ngân sách đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho tuyến này.

Bác sĩ về tuyến dưới: Nâng chất, giảm tải ảnh 1

Mỗi ngày BV Nhi đồng 1 khám trung bình 6.000 ca, ngày cao điểm trên 7.000 ca. Để chờ đến lượt khám, nhiều bệnh nhi phải ăn ngủ tại chỗ như thế này. Ảnh: TÙNG SƠN

Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới và giúp các BV này độc lập làm việc, theo BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, BS được cử xuống tuyến dưới đa số là lãnh đạo các khoa, phòng. Có BV cử BS có kinh nghiệm gần 20 năm. Để các BS yên tâm công tác, ngoài việc được giữ nguyên lương, phụ cấp, TP đã hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng/tháng, các quận/huyện hỗ trợ một phần theo khả năng.

“Các BS phải chấp hành đúng quy định một năm xuống tuyến dưới. BV quận/huyện hỗ trợ hết sức, đánh giá theo dõi các BS tuyến trên xuống công tác và treo băng rôn tuyên truyền cho người dân biết BS tuyến trên xuống khám, chữa bệnh” - Giám đốc Sở Y tế Phạm Việt Thanh đề nghị.

Tăng lượt khám, giảm chuyển viện

Theo BS Nguyễn Chí Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, từ quý III đến quý IV-2011 đã có 70 BS thuộc 13 BV TP xuống hỗ trợ cho bốn BV quận/huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Tân và Bình Chánh). Kết quả cho thấy khám, chữa bệnh của bốn BV này tăng 10%-30%, chuyển viện giảm 17%, riêng BV Nhà Bè chuyển viện giảm đến 45%. Các lĩnh vực sản phụ khoa, hồi sức cấp cứu, ngoại khoa cũng đã được chuyển giao…

“Mặc dù vậy, khi các BS xuống dưới vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn nhân lực tiếp nhận chuyển giao còn hạn chế, trang thiết bị chưa đủ để làm và cơ sở vật chất chưa đạt” - BS Dũng cho biết. Song song với việc đưa BS xuống 12 quận/huyện, theo BS Dũng, sẽ thành lập phòng khám vệ tinh ở 12 BV quận/huyện này. Các BV sẽ được tập huấn chuyên môn, kỹ thuật trong tuyến và được chuyển giao kỹ thuật vượt tuyến. Những BS mới ra trường sẽ phải về công tác tại BV quận/huyện trước khi về tuyến TP.

Sở Y tế cũng đề nghị 11 BV quận/huyện còn lại (trừ BV Hóc Môn đã chuyển thành BV khu vực) chủ động phối hợp với BV tuyến trên để khảo sát và chuyển giao kỹ thuật phù hợp với đặc điểm tình hình.

Giúp BV giải quyết bệnh thông thường nhưng nặng

Ban đầu chúng tôi định triển khai một khoa huyết học tại BV quận Bình Tân. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy còn thiếu nhiều quá nên bước đầu thành lập khoa nhi tổng quát. Mục tiêu là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp BV giải quyết được những bệnh thông thường nhưng ở cấp độ nặng như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm phổi nặng… và dần dần sẽ hướng vào chuyên sâu. Chúng tôi đã cử xuống những BS được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm về các lĩnh vực này.

TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP.HCM

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm