Dịch COVID-19: F1, F2 là gì? Khi nào là F3, F4?

Tiếp xúc gần (F1) là gì?

Hiện nay COVID-19 lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp (gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi), gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh). Dịch tiết này gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn.

Dịch tiết được phát xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh COVID-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt.

Trung tâm Y tế quận 6 (TP.HCM) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: THANH KHÊ

Bộ Y tế quy định tiếp xúc gần F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.

Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được. Có thể là một trong các triệu chứng sốt, mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng…

Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì), ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tiếp xúc của tiếp xúc gần (F2) là gì?

Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

Vì sao F2 được chỉ định cách ly tại nhà?

Khả năng nhiễm bệnh của F2 phụ thuộc rất lớn vào kết quả xét nghiệm của F1.

Nếu F1 âm tính, F2 sẽ được giải tỏa vì thời điểm F2 tiếp xúc gần với F1 không có khả năng lây bệnh. Tuy nhiên nếu F1 dương, F2 sẽ trở thành F1 và tiến hành các biện pháp phòng bệnh dành cho F1.

Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm của F1, để hạn chế khả năng có thể lây bệnh cho cộng đồng, F2 cần thực hiện đúng quy định cách ly tại nhà.

F3, F4 và các F… và những phản ứng chưa phù hợp

Quy định của Bộ Y tế hiện nay về truy vết, xứ trí tiếp xúc chỉ dừng ở F1 và F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình là các F3, F4, F5 và F… là không phù hợp với quy định. Điều này cho thấy không ít người đang hoang mang về đánh giá nguy cơ, dẫn đến cách xử trí chưa phù hợp trong giai đoạn có sự lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Ngành y tế điều tra, xử lý các trường hợp F1, F2 là vì cần tập trung đến nhóm này. Xử lý tốt nhóm này, chúng ta cơ bản kiểm soát được chuỗi lây truyền.

Khi thực hiện truy vết nhanh, xét nghiệm khẩn các F1 sẽ phát hiện sớm những trường hợp dương tính. Khi đó, ngành y tế sẽ truy vết, khoanh vùng tiếp để cắt đứt nguồn lây. Nếu F1 âm tính, đóng lại trường hợp này để tập trung cho hoạt động khác.

Do vậy, việc quan trọng của người dân TP.HCM là cùng thực hiện các biện pháp phòng bệnh thay vì hoang mang tự đánh giá mình là các loại F3, F4… để rồi có những phản ứng chưa phù hợp.

Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu, chúng ta cần làm gì?

Người dân cần cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, tránh tiếp cận quá nhiều thông tin không chính xác dễ làm chính chúng ta loạn thông tin gây hoang mang dư luận. Điều này không tốt cho hoạt động phòng chống dịch vốn dĩ được ví như cuộc chiến với COVID-19.

Trong chiến tranh, người chiến thắng là người bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Trong cuộc chiến với COVID-19, nếu rối loạn sẽ thất bại bởi chính mình chứ không phải vì dịch bệnh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm