Dịch bệnh COVID: Xin hãy bình tĩnh lại!

Đó là những dòng tâm sự của TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ trên trang facebook cá nhân của mình. Phân tích của BS Hùng đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của nhiều người trong ngày hôm nay (9-3). Pháp Luật TP.HCM xin trích đăng lại bài viết của BS Hùng.

Sau một thời gian khá dài yên ắng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lại dậy sóng trong những ngày vừa qua vì dịch bệnh COVID-19. Hàng ngìn người đổ xô đi mua sắm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hàng trăm người nao núng đã và đang tính chuyện dọn đồ đi sơ tán khỏi các vùng dịch. Hàng trăm kiểu toan tính, người ta đã nghĩ ra để cố gắng bảo vệ gia đình mình. XIN HÃY BÌNH TĨNH LẠI.

Dịch bệnh COVID-19 có đáng sợ không các bạn? Tôi nghĩ rằng là đáng sợ. Thế nhưng sợ cái gì và cái gì làm cho chúng ta sợ?

Thứ nhất: SỢ CHẾT

Xin thưa rằng tỉ lệ chết chung của dịch bệnh này, theo Tổ chức y tế Thế giớ WHO là dưới 3% và chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế trễ. Song tỉ lệ này có sự thay đổi ở mỗi quốc gia khác nhau và cũng tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một quốc gia dù có trình độ y khoa cao nhưng không có đủ số giường bệnh và nhân viên y tế phục vụ trong khi số bệnh nhân tăng vọt thì khó tránh khỏi tỉ lệ tử vong tăng cao. Một quốc gia không giàu nhưng cương quyết thực hiện những biện pháp phòng chống dịch tốt để không có số bệnh nhân tăng vọt. Mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng thì tỉ lệ tử vong rất thấp thậm chí là không có ca tử vong. Ở Việt Nam, người chết vì tai nạn giao thông còn cao hơn nhiều do bệnh dịch này. Vậy thì CHẾT do dịch bệnh này không phải cái đáng sợ nhất.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: HL

Thứ hai: MẮC BỆNH PHẢI TỐN TIỀN ĐIỀU TRỊ, PHẢI NẰM BỆNH VIỆN LÂU DÀI

Rất mừng là toàn bộ chi phí điều trị cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều được nhà nước chi trả. Đây là điều chúng ta nên mừng vì là công dân Việt Nam. Ở một số quốc gia khác, bệnh nhân phải trả chi phí điều trị và số tiền này là không nhỏ.

Nằm viện lâu: thưa không. Nếu bệnh nhân hết triệu chứng bệnh. Xét nghiệm vi sinh liên tục âm tính, đảm bảo không còn là nguồn lây bệnh cho cộng đồng thì sẽ được ra viện tiếp tục tự theo dõi tại nhà. Có những bệnh nhân của chúng ta đã được xuất viện sau 5-7 ngày nằm viện. So với rất nhiều bệnh khác thì đây là thời gian khá ngắn. 

Thứ ba: SỢ BỊ CÁCH LY, KỲ THỊ, XA LÁNH

Không ai trong chúng ta muốn những người thân yêu của mình bị mắc bệnh. Vậy nếu bạn bị một căn bệnh có thể lây truyền cho người khác thì chính bản thân bạn phải nên tự cách ly. Điều đầu tiên là tránh cho người thân và sau đó là cộng đồng mình bị lây bệnh. Có gì phải sợ?

Phân tích của BS Lê Quốc Hùng về dịch bệnh COVID-19 nhận được nhiều sự đồng cảm. Ảnh: HL

Thứ tư: SỢ THỰC SỰ BỊ NHIỄM BỆNH TRONG KHU CÁCH LY Y TẾ

Sợ bị lây bệnh trong khi ở khu cách ly cùng với những người khác là mối lo của không ít người dân. Các bạn yên tâm, nhân viên y tế chúng tôi biết cách và triệt để thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly.

Vậy các bạn sẽ hỏi rằng “dịch bệnh rất đáng sợ” như tôi trả lời phía trên là sợ cái gì?

Tôi sợ bởi vì bất cứ quốc gia nào không kiểm soát tốt để dịch bùng phát trong cộng đồng thì hàng loạt, hàng loạt người sẽ mắc bệnh dẫn tới con số bệnh nhân tăng vọt, vượt qua sự kiểm soát của y tế. Khi đó, tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao. Và khi đó, xã hội bất chợt mất đi một lượng lớn người làm việc, số bệnh nhân đông làm gia tăng chi phí điều trị, giảm thu nhập quốc gia. Người bị tử vong không chỉ còn tập trung ở một nhóm đối tượng đặc biệt mà còn lan rộng ở tất cả những người mắc bệnh và kéo theo biết bao hệ lụy về chính trị, kinh tế, xã hội, con người bị ảnh hưởng trong một thời gian dài sau đó. Hãy nhìn vào Vũ Hán – Trung Quốc bạn sẽ thấy tất cả.

“Đáng sợ như vậy thì chúng tôi phải tự lo, sao bác sĩ cản?” Vâng, tôi cũng xin chia sẻ nỗi lo của các bạn nhưng sợ như thế nào cho đúng mới là quan trọng.

Thứ nhất, các bạn đổ xô đi mua hàng, là vô tình các bạn đang cố gắng đi vào nơi đông người trong một không gian kín. Ở nơi đó, nếu chẳng may có một người đang trong giai đoạn ủ bệnh thì khả năng bạn bị nhiễm bệnh sẽ cực cao. Khi đó, không biết có bao nhiêu người sẽ trở thành nguồn nhiễm mới. Thật không dám tưởng tượng thêm.

Thứ hai: trong khi Nhà nước cam kết cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu về hàng hóa thì các bạn vẫn đổ xô đi mua hàng. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều dự trữ số lượng hàng lớn và tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu nào đó thì chắc chắn sẽ tạo ra một cái “kho ảo” cực lớn trong xã hội. Các công ty sản xuất thì có kế hoạch sản xuất định kỳ và khả năng cung ứng cũng có giới hạn theo công suất xây dựng nhà máy sẽ dẫn tới khó bù đắp nhu cầu trong thời gian ngắn. Khi đó không ít người vì chậm chân không mua được hàng sẽ không có đồ dùng, tạo nên rối loạn trong xã hội.

Thứ ba: nếu chúng ta sợ dịch mà tự ý sơ tán ra khỏi vùng dịch. Các bạn có chắc rằng trong số những người sơ tán ấy hay chính bản thân bạn không có người đã nhiễm bệnh trong giai đoạn ủ bệnh hay không. Khi đó, vô tình các bạn sẽ trở thành một nguồn nhiễm mới như người trở về từ nước Anh. Công cuộc phòng chống dịch sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thứ tư: Mặc dù thông tin về triệu chứng khi mắc bệnh, cách phòng ngừa bệnh, khai báo và hoạt động phối hợp giữa người dân với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa dịch đã được công bố rất minh bạch và rõ ràng trên các phương tiện truyền thông chính thống. Xong, vẫn có rất nhiều người nhẹ dạ cả tin vào những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ, tiếp theo chia sẻ với nhiều người khác gây ra những hậu quả không nhỏ và vô tình làm cản trở công tác phòng chống dịch của cả nước….

Chính vì vậy xin các bạn HÃY BÌNH TĨNH.

Hãy đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của ngành y tế, của nhà nước. Trong lúc này đây, sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức tự phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng và sự đoàn kết của mỗi người dân chính là mỗi viên gạch xây nên sự thành công của cuộc chiến”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm