Đi phá thai bị bác sĩ Trung Quốc làm thủng ruột

Đó là thông tin được BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM cho hay tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Sở Y tế TP cùng các sở, ngành về “Tình hình thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM" từ ngày 1-1-2011 đến 31-12-2018 diễn ra ngày 2-5.

Theo BS Nhi, thời gian vừa qua, BV tiếp nhận nhiều ca tai biến sản khoa nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân ở các phòng khám tư nhân có bác sĩ Trung Quốc. Bên cạnh đó, là một trong những đơn vị tập huấn kiến thức chuyên môn cho BS Trung Quốc do Sở y tế TP.HCM tổ chức vừa qua, BS Nhi cho biết khá lo ngại về trình độ của các BS này. Đây có lẽ chính là lý do mà nhiều tai biến sản phụ khoa xảy ra từ các phòng khám này gây bức xúc.

BS Nhi dẫn chứng, theo quy định tuyến phòng khám tư nhân không được phá thai lớn nhưng họ vẫn tiến hành phá thai 14 tuần, 16 tuần, thậm chí cả thai 18 tuần.

“Một số trường hợp khi làm thủ thuật phá thai, BS của các phòng khám này đã kéo ra cả khúc ruột già qua ngả âm đạo, làm thủng ruột bệnh nhân. Những trường hợp này nếu bệnh nhân không đến bệnh viện kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc, tử vong”, BS Nhi kể.

Các đại biểu họp góp ý Luật khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM ngày 2-5. Ảnh: HOÀNG LAN

Ngoài ra, dựa theo hồ sơ bệnh án bệnh nhân cung cấp, BV cũng nhận thấy nhiều điểm bất hợp lý trong chẩn đoán và áp dụng giá khám chữa bệnh của các cơ sở này. “Có những loại bệnh sinh lý nhưng phòng khám vẫn ra phác đồ điều trị bệnh lý, chẩn đoán không phù hợp, lạm dụng kháng sinh. Chi phí rẻ nhất ở các phòng khám này từ 10-15 triệu và có thể lên đến 50 triệu đồng”, BS Nhi cho hay.

Vì vậy, theo BS Nhi, cần phải có những quy định nghiêm khắc, xử lý mạnh tay đối với các BS Trung Quốc, giao đầu mối là Sở Y tế TP.HCM đảm trách.  

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay theo quy định, người nước ngoài đến Việt Nam thực hiện khám chữa bệnh phải được Bộ y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, các trường hợp người nước ngoài vi phạm Luật khám chữa bệnh vẫn xảy ra trên địa bàn.

Cũng theo ông Thượng, mỗi lần phát hiện các sai phạm của BS nước ngoài, có đủ dấu hiệu để tước chứng chỉ hành nghề thì Sở Y tế phải làm kiến nghị gửi Bộ Y tế, nơi trực tiếp cấp chứng chỉ hành nghề cho các BS này. Việc làm này kéo dài, gây mất thời gian, trong khi đối chiếu quy định tước chứng chỉ hành nghề đối với BS Việt Nam thì rất nghiêm ngặt.

Ông Thượng đề nghị cần sửa đổi quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho BS nước ngoài, cho phép Sở Y tế được phép cấp chứng chỉ hành nghề để dễ dàng quản lý, tước chứng chỉ hành nghề khi có sai phạm. Ngoài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải quy định chứng chỉ hành nghề phải có thời hạn. Nếu cấp vô thời hạn sẽ làm sản sinh tư tưởng các BS không chịu đào sâu, phát triển chuyên môn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm