Đến năm 2050: Khoảng 10 triệu người mất mạng do kháng thuốc

“Chúng ta thấy thời gian qua dịch COVID-19 hoành hành đã làm chết trên 1 triệu người, số người chết rất lớn nhưng với tình hình lạm dụng kháng sinh như hiện nay, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người chết do bị đề kháng thuốc, con số người chết rất khủng khiếp, đồng nghĩa thiệt hại về kinh tế cũng rất lớn”.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chia sẻ thông tin nghiên cứu về tình hình đề kháng kháng sinh trên toàn thế giới tại hội thảo “Chương trình hành động phòng chống kháng thuốc TP.HCM” diễn ra ngày 21-11. 
2.000 người chết/năm do vi khuẩn siêu kháng thuốc
Theo TS Vĩnh Châu, vi khuẩn đa kháng thuốc là thách thức đối với các khoa có bệnh nặng, mắc viêm phổi, thở máy lâu như hồi sức tích cực. TS Vĩnh Châu dẫn chứng BV Bệnh nhiệt đới phát hiện một số ca bệnh mang vi khuẩn đa kháng thuốc, điển hình là bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh).
Quá trình điều trị cho bệnh nhân này, các bác sĩ phải đổi và sử dụng loại kháng sinh mạnh nhất là colistin, may mắn là vi khuẩn này vẫn còn nhạy với colistin cộng với cơ địa miễn dịch của bệnh nhân đã loại trừ được vi khuẩn giúp phục hồi phổi. Tuy nhiên, có những bệnh nhân già yếu, hệ miễn dịch yếu, khi mắc các vi khuẩn đa kháng đã tử vong. 
“Vi khuẩn đa kháng thuốc liên tục xuất hiện nhưng việc nghiên cứu các loại thuốc mới lại khá chậm, phải mất ít nhất khoảng 12 năm mới có một loại thuốc mới nhưng vi khuẩn chỉ cần một, hai năm đã có chủng đề kháng thuốc. Bên cạnh đó, chỉ còn ít hãng dược phẩm lớn duy trì chương trình nghiên cứu kháng sinh.
Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, chỉ có 12 loại thuốc kháng sinh mới được phê duyệt để tới tay bệnh nhân. Mỗi ngày trên thế giới có trung bình gần 2.000 người chết vì siêu vi khuẩn kháng thuốc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, con số có thể tăng gấp 15 lần vào năm 2050”, ThS-DS Huỳnh Phương Thảo, thư ký Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, báo cáo tại hội nghị. 

Kháng kháng sinh là thách thức đối với các khoa bệnh nặng. Ảnh: HL

Người thành thị cũng mang chủng vi sinh kháng thuốc
Cũng theo ThS Phương Thảo, thói quen sử dụng và kê đơn bừa bãi kháng sinh ở Việt Nam đang góp phần làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Theo các nghiên cứu, phần lớn kháng sinh ở Việt Nam được bán mà không kê đơn (thành thị 88%, nông thôn 91%). 
Bên cạnh đó, bệnh nhân không nhiễm khuẩn được kê kháng sinh, kéo dài không cần thiết. 1/3 bệnh nhân nội trú dùng kháng sinh thiếu chỉ định hợp lý. Hơn 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh, được bán phần lớn tại nhà thuốc. BV Việt Nam thiếu năng lực và nhân viên để phân lập và xác định nhạy cảm vi sinh. Bệnh nhân tự điều trị hoặc điều trị ở phòng mạch tư rẻ hơn tại hệ thống công. 
Việc sử dụng tùy tiện thuốc kháng sinh không đúng chỉ định cho vật nuôi, gây tồn dư thuốc trong cơ thể vật nuôi, tăng nguy cơ kháng thuốc là một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc cần tác động đã được chứng minh.
Tại hội nghị, PGS-TS Ngô Thị Hoa, đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, cho biết một nghiên cứu khảo sát cộng đồng chăn nuôi cho thấy 1/3 người tiếp xúc với vật nuôi mang chủng kháng sinh kháng colistine (kháng sinh điều trị cho bệnh nhân 91). Không những vậy, 17% người dân không chăn nuôi ở nông thôn và 9% người ở thành thị (TP Mỹ Tho) dù không tiếp xúc với vật nuôi cũng có tỉ lệ 9% mang chủng kháng sinh này là thực trạng đáng lưu ý. 
Theo PGS Ngô Thị Hoa, nhận thức sử dụng kháng sinh trong vật nuôi của người chăn nuôi ở Việt Nam còn khá thấp. Kháng sinh đang được sử dụng nhiều vì mục đích tăng trưởng ở vật nuôi. “Lo ngại đàn vật nuôi mắc bệnh, chỉ một con bệnh, người chăn nuôi đã cho thuốc kháng sinh dự phòng cho cả đàn. Trước khi chích vaccine, lo sợ đàn heo bội nhiễm, họ cũng cho uống kháng sinh phòng trước...” - PGS Ngô Thị Hoa dẫn chứng những thói quen nguy hiểm cần được siết lại. 
Nêu giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng kháng sinh hợp lý, dược sĩ CK2 Lê Hoàng Nhã, đại diện Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết vào ngày 13-11 vừa qua, chương trình hành động “Phát triển dược lâm sàng, chuỗi cung ứng dược tại TP.HCM giai đoạn 2020-2025” đã được phê duyệt.
Trong đó có các yêu cầu được đặt ra đảm bảo tránh lạm dụng thuốc gồm: Trong BV, dược sĩ lâm sàng sẽ tham gia phê duyệt kháng sinh (100% thuộc danh mục) trước khi sử dụng; bán lẻ thuốc (100%) phải có đơn thuốc: Nhà thuốc và công ty dược (100%) nối mạng và liên thông cập nhật dữ liệu lên dữ liệu quốc gia.

Kháng kháng sinh là gì? 

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây, dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ trở nên không hiệu quả, làm nhiễm khuẩn kéo dài, thậm chí gây tử vong và có thể lây lan cho người khác.

Trong tương lai, các quốc gia có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp kịp thời. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm