Đề phòng những biến chứng đi kèm của sởi

“Vẫn còn 5% trẻ không tiêm ngừa vaccine sởi. Bên cạnh đó, mặc dù trẻ đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa sởi nhưng nguy cơ mắc bệnh vẫn xảy ra. Số trẻ không tiêm ngừa và trẻ đã tiêm ngừa nhưng nhiễm sởi mỗi năm dồn lại, đến năm thứ tư hoặc thứ năm sẽ bùng phát thành dịch theo đúng chu kỳ” - ông Phu nhận định.

Ông Phu cho biết nếu trẻ bị sởi nhẹ thì nên đưa vào cơ sở y tế địa phương, hạn chế chuyển tuyến trên. Một khi tập trung quá đông trẻ bị sởi tại các bệnh viện tuyến trên dễ có nguy cơ nhiễm sang các bệnh nhi khác hoặc trẻ mắc sởi sẽ nhiễm thêm bệnh lý khác.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bệnh sởi thường tập trung ở trẻ dưới hoặc bằng năm tuổi. Tuy nhiên, tại TP.HCM bệnh sởi đang có chiều hướng tăng dần theo độ tuổi. “Trẻ từ ba đến dưới năm tuổi mắc bệnh sởi trong năm 2014 gần 11%, năm 2013 là 8%. Thế nhưng trẻ từ năm đến dưới 10 tuổi là hơn 14%, trong khi năm 2013 chỉ gần 5%. Do vậy ngoài nhanh chóng tiêm vét vaccine sởi cho trẻ dưới ba tuổi, trẻ trên ba tuổi cũng cần được tiêm vaccine sởi” - BS Dũng khuyến cáo.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nhiều phụ huynh không đưa trẻ tiêm vét vaccine sởi tại các trạm y tế phường, xã vì sợ xảy ra biến chứng. “Các trạm y tế phường, xã thực hiện tiêm vét vaccine sởi đã được thẩm định đủ điều kiện. Bên cạnh đó, bác sĩ của trạm y tế cũng kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm nên phụ huynh hãy an tâm. Các địa phương cố gắng tuyên truyền lợi ích tiêm vét vaccine sởi để hạn chế bệnh lây lan” - BS Hưng nói.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm