Để những ngày cuối đời trôi qua nhẹ nhàng

“Khi thời gian sống trên cõi đời chỉ còn ngắn ngủi, người bệnh có những ước muốn, khát khao rất giản dị, đời thường” - bác sĩ (BS) Đỗ Hữu Thành, đang làm việc tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ.

Ước muốn về chuyến đi cuối cùng

Một trong những trường hợp BS Thành nhớ nhất là ông trinh sát công an đã về hưu. Ông phát hiện bệnh ung thư đường mật khi ở vào giai đoạn cuối, không đáp ứng mọi phương pháp điều trị đặc hiệu nên được chuyển vào khoa Chăm sóc giảm nhẹ.

Tại đây, ông được điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng đau và hỗ trợ về tâm lý để có quãng thời gian cuối đời dễ chịu nhất. Trong những lần tiếp xúc để điều trị cho ông, BS Thành thường nán lại để nghe ông tâm sự. Ít ai ngờ rằng người đàn ông với bộ dạng điềm tĩnh, lạnh lùng bên ngoài nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim luôn day dứt, mệt mỏi về những chuyện trong quá khứ.

Khi những cơn đau ập tới, BS Thành là người tận tụy kề bên xoa dịu, hỗ trợ khiến ông dần cảm thấy tin tưởng.

Rồi ông hào hứng nói về những điều ông muốn làm cuối cùng của cuộc đời mình. Ông muốn được trở về Đà Lạt mộng mơ, muốn thăm lại ngôi nhà mình từng gắn bó, muốn thăm lại những người hàng xóm hay vài người bạn cũ.

BS Thành đã trao đổi lại với gia đình nguyện vọng của ông và hỗ trợ về y tế để chuyến hành trình hồi hương của ông được suôn sẻ. Sau khi ông mất, gia đình ông có tìm gặp lại những nhân viên y tế đã chăm sóc cho ông để cám ơn vì đã giúp người thân họ có những ngày cuối đời thanh thản.

BS Đỗ Hữu Thành đang hỏi thăm bệnh nhân đang chăm sóc tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Ảnh: H.LAN

Cô đơn và chán ghét bản thân

Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, BS Thành nhận thấy những ước muốn sau cùng của họ rất cháy bỏng mà cũng rất con người. Đó thường là những mong muốn đơn giản như thăm lại bạn cũ, ngắm ngôi nhà mình từng ở như đã kể trên. Cũng có người mong có cái cảm giác dễ chịu, sạch sẽ như bệnh nhân từng là giáo viên đã về hưu bị ung thư cổ tử cung mà BS Thành mới điều trị cách đây không lâu. Bà đã được cho về nhà chăm sóc sau thời gian điều trị ở BV.

BS Thành nhớ lại: Một lần nhận được điện thoại của thân nhân báo người bệnh khẩn khoản muốn gặp BS. Khi BS Thành đến, bà bệnh nhân tâm sự về nỗi mặc cảm khi cơ thể bà và căn phòng bốc mùi gây khó chịu cho người thân. Hơn thế nữa, bà cảm thấy rất cô đơn và chán ghét hình ảnh của bản thân hiện giờ.

Sau khi lắng nghe, BS đã hướng dẫn cho thân nhân cách chăm sóc bệnh, các phương thức để giảm những mùi khó chịu như đốt nến thơm trong phòng. Vấn đề tâm lý mà bệnh nhân gặp phải cũng được BS tư vấn để thân nhân hiểu và chia sẻ với bệnh nhân tốt hơn.

Giúp bệnh nhân đối diện sự thật

“Tìm ra được đúng vấn đề mà bệnh nhân đang đối diện và giúp họ giải quyết, tâm lý người bệnh sẽ được giải tỏa” - BS Thành nói.

115.000 là số người chết vì ung thư mỗi năm ở Việt Nam. Ngoài ra, số ca mắc ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010; dự kiến năm 2020 con số này sẽ vượt qua 190.000 ca. 

(Số liệu được đưa ra tại Hội thảo khoa học về phòng, chống ung thư diễn ra tại BV Quân y 175 ngày 22-9-2017)

Đối với người cao tuổi, khi đã trải qua gần hết các giai đoạn của cuộc đời thì họ đón nhận cái chết đến với mình một cách tương đối bình thản. Còn với bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều người rất khó chấp nhận tình trạng của mình vì họ đang ở độ tuổi sung mãn, họ luôn ý nghĩ “còn cả tương lai phía trước”. Các BS và chuyên gia tâm lý phải khéo léo giúp họ chấp nhận và chuẩn bị cho diễn tiến bệnh của mình.

Thông thường, thân nhân luôn nói với bệnh nhân rằng: Hãy ăn uống nhiều vào, hãy uống thuốc và… đừng nói về cái chết. Rất nhiều người thân khước từ những đàm thoại cuối đời mà người bệnh muốn nói.

“Tuy nhiên, với quan điểm y học hiện đại, chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ giúp cho bệnh nhân giảm bớt những cảm giác đau đớn, bình tĩnh đối diện với bệnh tật, nhìn vào cái chết và chấp nhận nó. Từ đó, bệnh nhân dùng quỹ thời gian cuối của mình một cách hợp lý nhất và thực hiện những điều mong muốn trong thời gian còn lại” - BS Thành tâm sự.

Nhiều BV đã có khoa Chăm sóc giảm nhẹ

Ở những nước phát triển, chăm sóc giảm nhẹ từ lâu đã được triển khai và chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống người bệnh. Tại Việt Nam, từ năm 2006, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã xây dựng và ban hành “Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS”.

Đến nay đã có hàng trăm BS, điều dưỡng được đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ, hàng ngàn bệnh nhân và thân nhân họ được chăm sóc và hỗ trợ tâm lý trong giai đoạn cuối đời. Tuy nhiên, số lượng người tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ vẫn còn hạn chế so với số bệnh nhân ung thư tăng nhanh chóng. 

Đến nay, các BV đã dần hình thành các khoa Chăm sóc giảm nhẹ để hỗ trợ thể xác và tinh thần cho người bệnh ở giai đoạn cuối đời. Đó là các BV Ung bướu TP.HCM, BV ĐH Y Dược TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BV Ung bướu Đà Nẵng, BV K, BV đa khoa Cà Mau…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm