Đau tê từ bụng xuống chân coi chừng bị hẹp ống sống ngực

Bệnh hẹp ống sống ngực bắt nguồn từ tình trạng cốt hóa dây chằng vàng nằm ở phía sau tủy. Dây chằng này nối kết các cấu trúc xương ở phía sau của ống sống lại với nhau tạo nên thành sau của ống sống. 
Khi dây chằng vàng hóa xương và phì đại lên sẽ chèn ép vào tủy sống, có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dây chằng vàng bị cốt hóa và thường xảy ra ở vùng cột sống ngực.
Đau tê từ bụng xuống chân coi chừng bị hẹp ống sống ngực ảnh 1
 Vị trí dây chằng vàng trong ống sống. 

Bệnh hẹp ống sống ngực do cốt hóa dây chằng vàng thường gây đau kèm theo các triệu chứng của chèn ép tủy ngực, bao gồm tê hoặc giảm cảm giác từ vùng bụng trở xuống, yếu hai chân. Một số trường hợp biểu hiện bằng hội chứng chùm đuôi ngựa, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng hội âm, xung quanh cơ quan sinh dục, rối loại tiêu tiểu. Có bệnh nhân còn bị đau vùng cột sống ngực, lan sang một bên sườn hoặc hông, đau bỏng rát một vùng da sườn hoặc hông. Tình trạng nặng có thể bị yếu, liệt một hoặc hai chân.

Để xác định bệnh, bắt buộc phải có chẩn đoán hình ảnh là CTScan. Cộng hưởng từ và X-quang cột sống cũng được chỉ định để xác định tình trạng tủy, loại trừ khả năng bệnh viêm cột sống dính khớp, một bệnh lý có triệu chứng tương tự hẹp ống sống ngực nhưng lại khác hoàn toàn về nguyên lý bệnh sinh cũng như cách thức điều trị.

Với người bị bệnh hẹp ống sống ngực, quan sát trên ảnh chụp cột sống sẽ thấy tại vị trí dây chằng vàng đã được thay thế bằng mảnh xương, chúng làm cho đường kính ống sống nhỏ lại, chèn ép tủy. Trong nhiều trường hợp, tủy đã bị nhũn, hư mất một vùng. Những trường hợp này, thường để lại di chứng vĩnh viễn.

Việc điều trị tùy thuộc vào từng giai đoạn và triệu chứng của bệnh. Nếu chỉ có đau, chỉ cần uống thuốc giảm đau và tập vật lý trị liệu. Việc dùng thuốc giảm đau có thể phải kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Một số trường hợp đau kéo dài, ngay cả sau khi đã mổ thì phải áp dụng các biện pháp chống đau xâm lấn nhiều như hủy hạch, cắt sừng tủy sống, đặt điện cực…

Khi có triệu chứng của chèn ép tủy, bắt buộc phải mổ lấy hết những chỗ dây chằng vàng phì đại và cốt hóa, giải phóng mọi chèn ép tác động vào tủy sống. Đây là một cuộc phẫu thuật chứa đựng nhiều nguy cơ, khả năng thương tổn thần kinh do mổ rất cao. Ngoài đôi tay khéo léo và tính kiên nhẫn của phẫu thuật viên thì trang thiết bị, đặc biệt là máy khoan mài cao tốc với mũi khoan kim cương nhiều kích cỡ phù hợp đóng vai trò quyết định sự thành bại của ca mổ. Nhiều trường hợp, các mảnh cốt hóa dính chặt vào màng tủy. Các thao tác mổ đều có thể tác động trực tiếp vào tủy sống. Ở vùng này, tủy sống khá nghèo máu nuôi nên tỷ lệ biến chứng sau mổ rất lớn.

Hầu hết trường hợp bị hẹp ống sống ngực phải điều trị bằng phẫu thuật. Nhất là khi đã có chỉ định mổ thường không còn cách giải quyết nào khác. Nếu không phẫu thuật, người bệnh nhiều khả năng bị liệt, rối loạn tiêu tiểu. Cho đến nay người ta vẫn chưa thể giải thích nguyên nhân dây chằng bị cốt hóa, tại sao cùng một cộng đồng dân cư, cá nhân này bị cốt hóa mà người khác thì không. Do đó hiện chưa có khuyến cáo về cách phòng ngừa bệnh này. Có điều may mắn là tần suất của bệnh này thấp, ít gặp, không phổ biến như thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống thắt lưng.

 Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn (vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm