Đà Nẵng, Quảng Nam sau cao điểm COVID-19

Theo ghi nhận của PV, tại TP Hội An - một trong những địa phương có nhiều ca nhiễm COVID-19 tại Quảng Nam, đường phố bắt đầu nhộn nhịp hơn, một số cửa hàng, hàng quán đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng tập trung hướng đến phục vụ khách nước ngoài vẫn đóng cửa im lìm.

Quảng Nam thiết lập trạng thái “bình thường mới”

Lượng khách đổ về Hội An sáng 6-9 khá đông, chủ yếu là người dân nội tỉnh (các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Đà Nẵng…). Đa phần du khách đến du lịch, không lưu trú qua đêm.

Chị H. (bán nước giải khát) ở khu vực phố cổ Hội An cho biết sau nhiều ngày thực hiện lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chị bắt đầu mở cửa bán hàng từ gần một tuần nay. “Mấy ngày mới mở cửa chủ yếu bán hàng cho người dân địa phương mang về. Sáng nay, quán bất ngờ nườm nượp khách đến, chủ yếu là người dân các huyện lân cận. Có lẽ do tâm lý ở nhà quá lâu, ngày đầu thiết lập trạng thái mới nhưng trúng Chủ nhật họ tranh thủ ra ngoài nhiều” - chị H. nhận định.

Thiết lập trạng thái “bình thường mới”, Quảng Nam cho phép các tuyến xe buýt nội, liên tỉnh hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành (TP Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa cho phép nên những tuyến xe buýt đến các địa phương này vẫn chưa thể hoạt động. Ông Ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp vận tải tỉnh Quảng Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp đã đưa vào khai thác trở lại đối với các tuyến xe buýt vận tải hành khách nội tỉnh vào sáng 6-9.

“Tuy nhiên, thực tế lượng khách chưa có nhiều do người dân còn lo ngại dịch bệnh, chủ động sử dụng xe cá nhân. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại, chủ yếu với tinh thần trách nhiệm chứ chưa có khách” - ông Dũng nói.

Đà Nẵng cho phép nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán hàng mang về từ ngày 5-9. Ảnh: T.AN

Đà Nẵng: Người dân hào hứng đi mua đồ ăn mang về

Từ 0 giờ ngày 5-9, TP Đà Nẵng chính thức chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Cụ thể, người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Ngoài ra, không được tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Đáng chú ý, nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng. Nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.

Xe khách hoạt động trở lại, tiếp tục đi chợ theo thẻ

Các phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Đà Nẵng được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép đối với mỗi loại phương tiện. Thành phố tiếp tục áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân theo thẻ đi chợ, ba ngày đi chợ một lần. 

Theo ghi nhận của PV vào chiều 6-9, hầu hết cửa hàng kinh doanh đã rục rịch hoạt động trở lại và tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Người bán và người mua giữ khoảng cách, đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn, nhiều hàng quán giăng dây để giữ khoảng cách với khách hàng. Các “shipper” được yêu cầu xếp hàng và không tụ tập đông người trong lúc chờ nhận và giao hàng cho khách. Trong những ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội, quán trà sữa, cà phê, quán ăn là địa chỉ thu hút lượng khách đông hơn cả.

Chủ quán bún trên phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết sau khi TP cho hoạt động trở lại, chị đã nhanh chóng đi chợ mua nguyên liệu để kịp mở cửa bán hàng. “Được bán trở lại thì mừng quá đi chớ, đợt rồi nghỉ miết nên gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Hai ngày nay tui cũng bán cầm chừng thôi, đặc biệt là mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần với mọi người để phòng, chống dịch” - chị cho hay.

Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hoa (37 tuổi, trú quận Liên Chiểu) đang ủi lại chiếc áo sơmi để chuẩn bị cho buổi làm ngày mai. “Nghĩ đến việc được gặp lại đồng nghiệp, uống tách trà rồi bắt đầu giải quyết công việc dồn lại suốt một tháng qua thì trong lòng thấy rất háo hức. Vì có việc làm thì mới có chi phí lo cho gia đình. Mình cũng gửi lời cám ơn đến các đội ngũ y, bác sĩ cũng như toàn thể nhân dân TP đã chung sức, đồng lòng trong cuộc chiến với COVID-19 suốt thời gian qua để TP sớm trở lại yên bình” - chị Hoa vui vẻ nói.

Yêu cầu khai báo y tế trên các ứng dụng

Ngày 6-9, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã ký công văn triển khai các biện pháp quản lý, giám sát y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, trong thời gian qua, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được kiểm soát tốt, không có ca dương tính mới nhưng nguy cơ vẫn thường trực. Các ngành, các cấp tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo: Đối với người từ TP Đà Nẵng về và có lưu trú tại tỉnh Quảng Nam, nếu đã đến các địa điểm, mốc thời gian theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng thì phải thực hiện tốt “Thông điệp 5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó có yêu cầu phải khai báo y tế trên các ứng dụng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm