Cứu trẻ bị dị dạng nang tuyến phổi cực kỳ hiếm gặp

Ngày 29-11, các bác sĩ (BS) khoa Ngoại - BV Nhi Trung ương cho biết nơi đây vừa điều trị thành công cho bệnh nhi BVQ (14 tuổi) bị dị dạng nang tuyến phổi kèm lõm ngực bẩm sinh.

Theo thông tin từ gia đình, trước đó cháu Q. hay thấy tức ngực, khó thở, ngực lõm sâu. Cháu đã được đưa đi khám và chẩn đoán bệnh lõm ức tại BV địa phương, sau đó chuyển lên BV Nhi Trung ương điều trị. Tại đây, các BS phát hiện cháu có bệnh dị dạng nang tuyến tại phổi phải kèm theo tình trạng lõm ức nặng với chỉ số lõm cao.

Theo BS Tô Mạnh Tuân, Phó Trưởng khoa Ngoại, đồng thời là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, cho biết thương tổn dạng kết hợp này rất hiếm gặp. Trong đó thương tổn lõm ức có tỉ lệ 1/1.000 trẻ, là thương tổn do sự phát triển bất thường của xương ức, xương sườn, gây biến dạng lõm xương ức ra sau, gây hẹp lồng ngực, cản trở chức năng hô hấp.

Thương tổn dị dạng nang tuyến bẩm sinh có tỉ lệ mắc 1/12.000 trẻ, là tổn thương do sự phát triển bất thường tổ chức phế quản phổi, có thể chẩn đoán được từ trước sinh qua siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chẩn đoán sau sinh dựa vào hình ảnh, đặc biệt là qua chụp cắt lớp vi tính với hình ảnh khối thương tổn lớn, chèn ép phổi lành, do vậy khi bệnh kết hợp với lõm ức sẽ càng làm cản trở trầm trọng chức năng hô hấp của trẻ.

“Do tình trạng bệnh nhi khá phức tạp, các BS đã hội chẩn và đưa ra quyết định can thiệp chữa bệnh dị dạng nang tuyến phổi trước rồi sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật điều trị lõm xương ức.

Ngày 17-8, ca phẫu thuật điều trị thương tổn dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh đã được thực hiện với sự hỗ trợ của robot Da Vinci-Si. Đây là hệ thống robot phẫu thuật hiện đại trên thế giới, mới được ứng dụng tại BV Nhi Trung ương.

Sau ca mổ kéo dài gần 3 tiếng, tổn thương dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh type 1 chiếm toàn bộ thùy dưới phải, chèn ép các thùy phổi còn lại đã được loại bỏ an toàn. Bệnh nhi được rút ống nội khí quản ngay sau mổ và rút dẫn lưu ngực sau hai ngày” - BS Tuân cho hay.

Đến ngày 6-9, bệnh nhi tiếp tục được phẫu thuật nội soi nâng xương ức và ra viện sau năm ngày. Khám lại sau mổ một tháng thấy phần thương tổn phổi lành còn lại nở bình thường, hết lõm ức. Trẻ được hướng dẫn chăm sóc, theo dõi định kỳ để đảm bảo tránh bị di lệch thanh nâng ngực do tình trạng lõm ức nặng và tháo dụng cụ theo kế hoạch.

Bs Tuân khuyến cáo lõm xương ức có kết hợp dị dạng nang tuyến bẩm sinh là một trong các thương tổn rất hiếm gặp. Do đó cần đánh giá kỹ hình ảnh cắt lớp vi tính ngực với bệnh nhân lõm xương ức để tránh bỏ sót thương tổn. Ngoài ra, phẫu thuật chữa bệnh lõm ức ngay sau khi phẫu thuật chữa bệnh dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh với nội soi robot đã góp phần cho phép bệnh nhi được hồi phục nhanh sau can thiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm