Cứ 100 người Việt Nam thì có 29 người bị rối loạn mỡ máu

Ngày 29-10, Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) đã phối hợp với Bộ Y tế thực hiện chương trình tầm soát miễn phí bệnh rối loạn mỡ máu (hay còn gọi tăng lipid máu, máu nhiễm mỡ) cho khoảng 200 người dân trên địa bàn.

Tại đây, các bác sĩ đã chia sẻ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh và hướng dẫn chế độ phòng ngừa rối loạn mỡ máu cho người dân.

“Năm nay đã 60 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi thử mỡ máu. Bình thường, tôi có thẻ BHYT nên nghĩ đi khám bệnh cần gì bác sĩ sẽ chỉ định chứ không nghĩ là cần phải chủ động xét nghiệm. Sau khi nghe chia sẻ của bác sĩ, tôi mới nhận thức căn bệnh này khá nguy hiểm và sẽ quan tâm ăn uống, tầm soát định kỳ bệnh rối loạn mỡ máu hơn” - bà Lê Thị Ràng chia sẻ.

Tương tự, bà Mạch Thị Kim (55 tuổi) cũng bày tỏ: “Tôi đã từng nghe nói về căn bệnh này nhưng chưa tìm hiểu sâu bao giờ. Tôi đang chờ kết quả thử mỡ máu để còn biết mà điều chỉnh lại lối sống, sinh hoạt cho phù hợp”.

Người dân được tầm soát 

BS Sapi Roh, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho biết theo nghiên cứu năm 2015 của Viện dinh dưỡng TP.HCM, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị tăng lipid máu.

Còn theo nghiên cứu mới nhất của Viện dinh dưỡng quốc gia vào năm 2018 thì cứ 2,3 người có một người bị tăng lipid máu, chiếm 29,1% tổng dân số Việt Nam.

“Tăng lipid máu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khi bị tăng lipid máu, những lipid máu có hại sẽ lắng đọng trong thành mạch và sau một thời gian cản trở dòng máu lưu thông trong thành mạch, tạo nên những mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa làm lòng mạch bị hẹp dần dẫn đến giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan.

Chẳng hạn, người bệnh hẹp động mạch vành sẽ xuất hiện triệu chứng đau ngực, lâu ngày mức độ hẹp trên 75% sẽ gây nhồi máu cơ tim, hẹp mạch não gây đột quỵ não, hẹp động mạch thận sẽ gây các bệnh lý thận. Ngoài ra, việc lắng đọng nhiều lipid máu còn làm giảm tiết insuline trong máu gây nên bệnh đái tháo đường” - BS Sapi Roh phân tích.

Theo BS Sapi Roh, ngoài nguyên nhân có yếu tố di truyền, những người có lối sống ít vận động, không chơi thể thao, uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều, chế độ làm việc căng thẳng, ăn nhiều chất béo và thức ăn nhanh (gà rán, khoai lang chiên, thực phẩm chế biến sẵn...), nội tạng động vật, da gà...có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu cao. Những đối tượng này cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, tăng cường chất xơ, rau xanh, giảm chất béo, tăng chất đạm như cá biển, vận động thể thao phù hợp.

Những dấu hiệu của bệnh rối loạn mỡ máu âm thầm và ngày càng trẻ hóa do chế độ lối sống hiện đại, thường được phát hiện khi đi khám. Phụ nữ trên 45 tuổi, những bệnh nhân nam thường uống rượu bia, hút thuốc lá cần xét nghiệm định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

“Những dấu hiệu âm thầm của bệnh có thể khiến người bệnh chủ quan như tê bì tay chân, ngồi một chút đã tê, lâu lâu có những cơn đau ngực, chuột rút...” -BS Sapi Roh nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm