COVID-19 là đại dịch có sức tấn công mãnh liệt nhất lịch sử

Ngày 10-4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Y tế giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.

Đánh giá về đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như vậy.

Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh, hàng chục ngàn người tử vong.

Bên cạnh đó, virus gây bệnh có rất nhiều điểm bí ẩn. Mặc dù chỉ sau 14 ngày, giới khoa học toàn cầu đã có bản đồ gen nhưng đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vaccine, thuốc đặc trị… hiện chưa có lời giải.

Tại Việt Nam, một loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn đã chủ động được áp dụng. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội.

Chưa hết, ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…

Cũng theo ông Long, chưa bao giờ trong công tác chống dịch, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ như lần này, coi “chống dịch như chống giặc”.

Các kịch bản ứng phó, các chỉ đạo từ cấp cao nhất liên tục được cập nhật theo diễn biến thực tế của dịch bệnh. Việt Nam là một trong rất ít nước huy động quân đội tham gia phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu.

Trong công tác điều trị, Việt Nam nối mạng từ tuyến đầu tới các bệnh viện để sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn; phác đồ điều trị liên tục được cập nhật…

Đặc biệt, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Việt Nam là một trong ít nước sớm nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (test kit); chủ động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế…

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Ông đề nghị các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; người dân tự có ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng.

Cùng với đó, báo chí cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm