Con mang tật bệnh do… cha mẹ - Bài 2: Chậm nói do tivi!

Mới đây, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tư vấn tâm lý - Đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu, tiếp một bà mẹ tên TTL (TP.HCM) cùng cậu con trai hơn ba tuổi chậm biết nói.

Bốn tuổi vẫn chưa nói được

Chị Lan kể: “Do bận kinh doanh nên vợ chồng tôi nhờ bà nội chăm sóc cháu từ nhỏ. Lên hai tuổi cháu mới được đưa vào trường mầm non. Hiện cháu đã hơn ba tuổi nhưng chỉ nói nhát gừng từng chữ một như “ba”, “má”…”.

Kiểm tra năng lực giao tiếp của cậu bé, ông Khanh nhận định cháu có biểu hiện chậm nói. Ông giải thích: “Khi trẻ đã 18 tháng tuổi nhưng không nói được từ đôi như “ăn cơm”, “đi chơi”… mà chỉ nói được từ đơn như “ăn”, “đi”… là dấu hiệu của chậm nói. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khi gửi con cho bà nội, bà chỉ biết chăm sóc nhưng ít trò chuyện với trẻ”.

Cũng theo ông Khanh, nhiều phụ huynh có ý nghĩ sai lầm khi cho rằng con đi nhà trẻ sẽ mau biết nói do tiếp xúc với bạn cùng lứa. Thật ra trẻ dưới ba tuổi chưa thể chủ động giao tiếp, chưa biết chơi với bạn. Trong lớp, trẻ chỉ biết chơi với bạn nếu có sự hướng dẫn của cô giáo. “Khi ngồi chơi trong đám đông, thực ra trẻ không chơi với nhau mà chơi một mình. Trẻ chỉ trao đổi đồ chơi cho nhau rồi mạnh đứa nào đứa đó chơi” - ông Khanh nhấn mạnh.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (bìa phải) đang kiểm tra khả năng phát âm của một trẻ chậm nói. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thật tai hại khi xem tivi nhiều

Cách đây vài ngày, một bà mẹ ở Bình Dương cũng đưa con gái gần bốn tuổi chậm nói đến nhờ ông Lê Khanh tư vấn. Bà mẹ cho biết chị vừa may gia công tại nhà vừa trông nom con. Chị thường bật tivi cho cháu bé xem để rảnh tay ngồi may. Gần đây, thấy cháu ít nói, khi chơi với bạn thường ra dấu bằng tay chị mới đưa cháu đến gặp chuyên gia tâm lý.

Ông Khanh cho biết thật tai hại khi cha mẹ cho con xem tivi nhiều, thế nhưng đây lại là hiện tượng phổ biến. “Suốt thời gian xem tivi, trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất xấu đến khả năng phát triển ngôn ngữ. Khi xem tivi, trẻ chỉ ngồi nhìn, dần tạo thói quen lười nói. Có cha mẹ thấy con hát, nói theo các chương trình ca nhạc, hoạt hình trên tivi thì cho rằng con mau biết nói. Thật ra trẻ chỉ hát theo một cách máy móc mà không hiểu gì cả. Trẻ ngồi xem tivi là hình thức giao tiếp thụ động, giao tiếp một chiều, dễ khiến trẻ có thể bị tê liệt khả năng giao tiếp nên đưa đến hiện tượng chậm nói” - ông Khanh lưu ý.

Ông Khanh đề nghị cha mẹ nên đưa trẻ trong độ tuổi từ hai đến ba gặp chuyên gia tâm lý nếu trẻ có các dấu hiệu sau: Chỉ có thể bắt chước âm thanh, không thể tự mình phát âm từng từ hoặc cụm từ đúng ngữ cảnh; chỉ lặp đi lặp lại một từ nào đó hay không thể sử dụng ngôn ngữ để bộc lộ nhu cầu cơ bản như ăn, uống; không thể làm theo các chỉ dẫn đơn giản; có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé…).

TRẦN NGỌC

Tận dụng “giai đoạn vàng”

Theo ông Khanh, giai đoạn tốt nhất giúp trẻ phát triển ngôn ngữ là từ 18 tháng đến ba tuổi. Đây được gọi là “giai đoạn vàng”. Trong giai đoạn này, cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi đùa với con. Hãy tận dụng mọi tình huống hằng ngày để khuyến khích trẻ nói, khuyến khích trẻ bộc lộ ngôn ngữ. Khi chở trẻ đi chơi, cha mẹ có thể chỉ cho trẻ thấy xe cộ rồi nói “xe hơi”, “xe đạp”, “xe buýt”… sau đó bảo trẻ nhắc lại. “Trong “giai đoạn vàng”, nếu cha mẹ lơ là, chăm sóc không đúng thì ngôn ngữ trẻ bị hạn chế. Khi đến trường học, do không đủ vốn từ giao tiếp trẻ trở nên thụ động, nhút nhát, thiếu tự tin” - ông Khanh nhấn mạnh.

Trẻ biết nói khi hội đủ hai yếu tố: Tự phát âm và phát âm đúng ngữ cảnh. Bình thường trẻ một tuổi nói được từ đơn như “ăn”, “đi”… Hai tuổi nói được cụm từ đôi như “đói bụng”, “uống nước”… Ba tuổi nói được cụm ba từ như “con thích chơi”, “má đi chợ”… Nếu trẻ từ 18 tháng tuổi chưa nói được từ nào thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Trẻ trên ba tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn khi can thiệp tình trạng chậm nói.

BS PHẠM MINH TRIẾT, Trưởng khoa Tâm lý
BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm