Chuyện xúc động ở phòng cấp cứu ngày đầu năm

Tối 5-2 (mùng 1 Tết), bà NTMH (48 tuổi, ở Bình Dương) được đưa vào khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định trong tình trạng chân trái bị gãy do tai nạn giao thông.

Bệnh nhân an ủi lẫn nhau

“Tôi chạy xe chầm chậm về nhà. Dè đâu một cậu choai choai chừng 20 tuổi phóng xe vù vù từ sau tông vô xe tôi. Sau cú ngã mạnh, chân trái tôi đau khủng khiếp. Ngó quanh không thấy ai, người đụng tôi lên xe chạy mất” - bà H. kể lại.

Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ (BS) nhận định tuy chân trái bà H. bị gãy nhưng không cần phẫu thuật mà chỉ bó bột.

Độ 10 phút sau, một phụ nữ tầm 46 tuổi nằm trên băng ca được đẩy vào khoa Cấp cứu trong tình trạng chảy máu đầu. Theo sau là một người đàn ông.

Người bị nạn tên VTM (quận 2, TP.HCM). “Tôi chạy xe đạp tới nhà người bạn ở quận Bình Thạnh. Ngang qua con hẻm, bất ngờ anh này (người đàn ông theo sau - PV) phóng nhanh quẹt vào xe đạp khiến tôi té đập đầu xuống đất” - bà M. cho hay.

Sau khi chụp CT scan, BS nói bà M. chỉ bị chấn thương phần mềm, không ảnh hưởng tới não. Tuy nhiên, bà M. cần phải nằm vài tiếng để BS theo dõi.

Thật tình cờ bà M. nằm cạnh giường bà H. Do đồng cảnh ngộ nên hai bà hỏi han thương tích và nhanh chóng cảm thông nhau. “Tôi với chị bị xui xẻo đầu năm, âu cũng là cái số, đừng buồn làm gì. Chúc chị mau về nhà để còn vui xuân với con cháu” - bà M. tỏ lời với bà H.

Mặc dù bị đau chân nhưng bà H. ráng nhổm dậy mở lời với bà M.: “Nhiều người bị chấn thương sọ não hoặc gãy tay chân phải phẫu thuật do tai nạn giao thông. Thậm chí có người không qua khỏi. Tôi với chị may mà thương tích không nặng lắm, có lẽ trời còn thương. Chúc chị mau hết bệnh, gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới”.

Bà H. nhổm người an ủi và chúc Tết bà M. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đưa hàng xóm vào BV quên mang cả dép

Tối 7-2 (mùng 3 Tết), khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận ông TVT (58 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) trong tình trạng chóng mặt, ù tai, hoa mắt. Chưa hết, ông T. còn rơi vào trạng thái khó thở, đau ngực, hồi hộp, đỏ mặt… Theo sau ông T. là một thanh niên khoảng 22 tuổi đi chân đất.

Sau khi khám bệnh, BS nhận định ông T. bị tăng huyết áp nên giữ lại điều trị. BS gọi người nhà ông T. làm thủ tục, người thanh niên đi chân đất nói con ông T. đang trên đường tới BV.

Lân la hỏi chuyện, PV được biết người thanh niên đi chân đất tên NVTK. “Tôi ở cạnh nhà ông T. Tối đó tôi đang xem truyền hình thì nghe có tiếng vỡ ly bên nhà ông T. Tôi lật đật chạy qua không kịp mang dép thì thấy ông T. nằm dưới đất. Lúc này có lẽ con trai ông cùng vợ con đi chúc Tết bạn bè nên không có ở nhà. Tôi liền gọi taxi đưa ông tới BV” - anh K. kể.

Nghe BS Bá Duy Khương cho biết nếu ông T. được đưa tới BV trễ chừng 10 phút thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não rất cao, khó cứu sống, anh K. tươi nét mặt. “Mừng quá, vậy là ông T. được cứu sống rồi. Con cháu ông không phải khóc vì mất cha, mất nội trong ngày đầu năm” - anh K. trải lòng.

Tương tự, chị TTC (26 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng đi chân trần đưa bà VTP (62 tuổi, ở TP.HCM) vào khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định do bị nhồi máu cơ tim.

“Tôi đang thắp nhang bàn thờ gia tiên thì nghe tiếng động lạ bên nhà bà P. Trước đó độ một tiếng, con gái bà P. đi công chuyện nên nhờ tôi để mắt tới bà P. một tí. Linh tính có chuyện không lành, tôi ba chân bốn cẳng chạy qua nhà bà P. đến nỗi quên xỏ đôi dép. Thấy bà P. nằm sóng soài trên nền nhà, tôi gọi taxi chở bà tới BV” - chị C. nói.

“Nghe BS nói bệnh tình bà P. không đến nỗi quá xấu do đến BV kịp thời, tôi mừng lắm” - chị C. chia sẻ.

Khoảng 30 phút sau, con gái bà P. có mặt tại BV. Nắm chặt hai tay chị C., con gái bà P. xúc động: “Cám ơn em nhiều lắm. Nhờ em mà mẹ chị qua khỏi cơn nguy kịch”.

Chứng kiến những người hàng xóm tốt bụng của bệnh nhân, BS Bá Duy Khương tâm tình: “Đã có không ít những câu chuyện xúc động trong phòng cấp cứu ngày Tết như thế này. Tôi nhận thấy tình cảm giữa các bệnh nhân đồng cảnh ngộ, tình thương giữa những người nhà ở cạnh nhau… đã tạo nên nét đẹp rất riêng trong những ngày xuân nước mình”.

Hơn 16.000 ca cấp cứu trong năm ngày Tết

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ ngày 28 âm lịch (ngày 3-2) đến mùng 3 Tết nguyên đán Kỷ Hợi (ngày 7-2), tại TP đã có hơn 16.000 ca cấp cứu, trong đó 1.530 ca do tai nạn giao thông, 1.586 ca do tai nạn sinh hoạt, 277 ca tai nạn do đánh nhau và đặc biệt có 21 ca nhập viện do tai nạn pháo nổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm