Chuyện lạ y khoa: 'Bắc cầu vượt' cho mạch máu để cứu bé gái

Bé gái (13 tuổi, sống ở Long An) cách đây một năm rưỡi có bướu vùng đầu tụy và đã được phẫu thuật bình thường. Tuy nhiên, cách đây hai tuần, do ói ra máu nên bé được người nhà đưa vào BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Tại BV, dung tích hồng cầu của bé còn 25% chứng tỏ xuất huyết khá nhiều.

Kết quả siêu âm cho thấy bé bị biến chứng tắc tĩnh mạch cửa ngoài gan sau phẫu thuật tụy lần trước. Bệnh nhi bị ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa nên phải can thiệp điều trị sớm. Phương án giải quyết tắc tĩnh mạch cửa bằng một đoạn tĩnh mạch bắc cầu từ chỗ tắc đến chỗ không tắc được đặt ra.

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết đây là ca bắc cầu nối cửa - cửa vô cùng khó, trong nước chưa có ai làm phẫu thuật này đối với bệnh nhi. Mặt khác, các bộ phận của bệnh nhi ở hệ tiêu hóa đã bị biến đổi do ca phẫu thuật vùng đầu tụy lần trước, nếu gây tổn thương thêm sẽ là đại họa.

Sau ca phẫu thuật, tình trạng của bé gái đã ổn định. Ảnh: HL

BS CK2 Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, tham gia êkíp phẫu thuật giải thích đoạn tắc tĩnh mạch cửa dài nên đòi hỏi tính toán mạch máu đủ dài bắc cầu từ vị trí tắc đến chỗ không tắc. Đoạn tĩnh mạch cảnh trong vùng cổ bên phải dài 10 cm được chọn để làm cầu vượt.

“Tĩnh mạch cực kỳ mỏng và nhỏ, dưới 0,1 mm lại thao tác trong hốc sâu, đòi hỏi êkíp phẫu thuật phải hiểu ý nhau, tinh tế, chỉ cần đi lệch hoặc thao tác thiếu chính xác sẽ làm rách mạch máu phải nối lại chắc chắn không tốt và gây hẹp ảnh hưởng đường máu đi” - BS Thơi kể lại.

Ca phẫu thuật cân não kéo dài tám tiếng đồng hồ, trong đó nửa thời gian là bộc lộ mạch máu. Một nửa thời gian là làm cầu nối bằng mạch máu ở cổ giải quyết tắc tĩnh mạch cửa. Sau ca phẫu thuật 24 giờ đồng hồ, lưu lượng máu dẫn về gan rất tốt, không bị huyết khối.

Theo các bác sĩ, nếu tình trạng tắc mạch cửa kéo dài, bệnh nhi sẽ bị xuất huyết nặng và ồ ạt đe dọa tính mạng huyết tắc tĩnh mạch cửa thường do nhiễm trùng vùng bụng, phát hiện được qua siêu âm. Những trẻ nhiễm trùng rốn từ lúc mới sinh và rối loạn đông máu có nguy cơ cao. Biểu hiện cấp tính của bệnh là đau bụng, thiếu máu, đi cầu ra máu hoặc ba, sáu tháng sau gây giãn các tĩnh mạch đại tràng, dạ dày, cường lách... là biểu hiện huyết tắc tĩnh mạch cửa mạn tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm