Chuyên gia chia sẻ về các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày qua, cả nước đã ghi nhận hơn 400 ca mắc COVID-19 ở hơn 25 tỉnh, thành phố. Cùng với các biện pháp khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, tiêm vaccnine chính là giải pháp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh bền vững.

Sau đây là chia sẻ của TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) về những lợi ích của vaccine và cách phòng ngừa phản ứng phản vệ sau khi tiêm vaccine COVID-19.

. Thưa bác sĩ, vaccine COVID-19 có lợi ích như thế nào?

+ TS.BS Lê Quốc Hùng: Vaccine là loại thuốc rất đặc biệt bởi không chỉ bảo vệ bản thân người được tiêm mà còn cả những người xung quanh. Ví dụ một bác sĩ làm trong bệnh viện bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân, khi tiêm vaccine phòng tránh được nguy cơ nhiễm bệnh thì sẽ không mang mầm bệnh về lây cho những người ở nhà.

Trong một cộng đồng, nếu tỉ lệ tiêm vaccine hàng loạt lên 70-80% người dân thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, ở đây là virus gây dịch COVID-19.

. Người đã tiêm ngừa vaccine COVID-19 có khả năng mắc COVID-19 không?

+ Tiêm ngừa vaccine không thể bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh. Vaccine cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95% mà thôi. Chẳng hạn 100 người tiêm thì chỉ có khoảng từ 75 đến 95 người phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, còn lại từ 5 đến 25 người mặc dù tiêm ngừa rồi vẫn nhiễm bệnh do không tạo ra kháng thể đủ chống lại virus sau khi tiêm. Ngay cả những người đã từng mắc COVID-19 rồi cũng có thể bị mắc lại, do vậy không có gì là tuyệt đối cả!

Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vaccine phụ thuộc vào việc tạo ra lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh của mỗi người.

Để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh, bên cạnh tiêm vaccine phải kết hợp với các biện pháp khác, mà hiện nay 5K đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả, rẻ tiền, có sẵn và dễ thực hiện. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi không có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh thì 5K sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh.

Người tiêm ngừa vaccine COVID-19 ngoài bảo vệ bản thân còn bảo vệ những người xung quanh. Ảnh: HL

. Cách phân biệt phản ứng thông thường và phản ứng phản vệ sau tiêm ra sao, thưa bác sĩ?

+ Có nhiều cách để tạo ra vaccine, nhưng bằng biện pháp nào đi chăng nữa thì người ta cũng dựa trên nguyên tắc lấy một đặc trưng gì đó của con virus để điều chế ra vaccine không có khả năng gây bệnh cho người và đưa vào cơ thể để kích hoạt hệ thống miễn dịch nhận biết loại virus này, ở đây là virus SARS-CoV-2.

Nhờ lượng kháng thể sinh ra sau khi tiêm ngừa vaccine, cơ thể đã được tập dợt để chống lại, tiêu diệt virus thực sự. Vaccine cũng giống như những loại thuốc khác, đều có thể dẫn tới một phản ứng không mong muốn. Ngay cả các loại đồ ăn thức uống chúng ta sử dụng hằng ngày như cá biển, hải sản cũng có thể gây dị ứng, phản ứng không mong muốn khi cơ thể chúng ta không dung nạp được.

Vì thế, khi đưa vaccine vào cơ thể, cơ thể của chúng ta cũng phản ứng chia làm hai loại. Phản ứng thứ nhất là phản ứng thông thường chấp nhận được như đau tại chỗ bị tiêm, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa... hoặc mệt như bị cảm cúm.

Với những phản ứng thông thường này, tùy theo mức độ, chúng ta cần sử dụng một số loại thuốc để giảm triệu chứng. Tuy nhiên, phản ứng thông thường không gây nguy hại cho bản thân người tiêm và thường sẽ tự mất đi sau hai, ba ngày sau tiêm.

Còn phản ứng thứ 2 khá nguy hiểm là phản ứng phản vệ, trong đó sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút. Người bệnh có thể nổi mày đay, phù mạch nhanh, khó thở, tức ngực, thở rít, đau bụng hoặc nôn, tụt huyết áp hoặc ngất, rối loạn ý thức, tiểu tiện không tự chủ...

Mỗi loại vaccine có tỉ lệ phản ứng khác nhau, nhưng nhìn chung tỉ lệ không cao. Chẳng hạn người ta thấy rằng trong 1 triệu người tiêm vaccine phòng COVID-19 Pfizer sẽ có 5 người bị phản vệ mức độ nặng cần điều trị.

 . Người chưa từng có tiền sử dị ứng thì có thể bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine không? Làm cách nào để phòng tránh sốc phản vệ khi tiêm vaccine COVID-19, thưa bác sĩ? 

+ Để tránh phản ứng phản vệ, người được tiêm ngừa phải hợp tác tốt với nhân viên y tế, trả lời đầy đủ bảng câu hỏi sàng lọc về tiền sử dị ứng của bản thân, các bệnh mình đang điều trị. Mục đích của bảng hỏi sàng lọc là để giảm thiểu khả năng phản vệ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, không ai có thể sàng lọc 100%, có nghĩa là những người rất khỏe mạnh từ trước tới giờ chưa bao giờ bị dị ứng bởi một thứ gì cả, đang hoàn toàn khỏe mạnh thì vẫn có thể xảy ra phản ứng phản vệ.

Chính vì vậy, sau khi tiêm ngừa cần phải có thời gian ngồi từ 30 đến một tiếng tại điểm tiêm để có bất kỳ vấn đề gì xảy ra thì sẽ được cấp cứu tại chỗ. Cho tới giờ, chỉ lác đác một vài trường hợp bị phản ứng phản vệ mức độ nặng dẫn tới không thể cứu, còn lại đa số các trường hợp bị sốc phản vệ đều có thể cấp cứu được.

Còn phản ứng phản vệ sau khi tiêm ngừa vaccine có thể xảy ra khi về nhà không? Thực tế phản ứng phản vệ xảy ra sau 2, 3 tiếng hoặc một, hai ngày sau tiêm rất là hiếm. Tuy nhiên, nếu sau khi về nhà, người được tiêm vaccine cảm thấy những dấu hiệu bất thường, không chịu đựng được thì nên quay lại cơ sở y tế gần nhất, kèm theo phiếu tiêm để được xử trí.

 . Xin cảm ơn bác sĩ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm