Chưa già mà khớp gối đã kêu

“Trước đây, thoái hóa khớp thông thường rơi vào những người trên 40 tuổi. Thế nhưng hiện nay không ít người chưa tới 30 tuổi lại mắc căn bệnh nói trên. Đây là điều mà những thanh niên đang lớn cần quan tâm” - TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, TP.HCM, nói.

Ngồi xổm là đau

Sáng 13-11, anh TVMH (26 tuổi, ở TP.HCM) đến khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân 115 để khám. “Hơn tháng nay, tôi phải đi cà nhắc vì chân trái mỗi lần chạm đất là đau không chịu nổi. Chưa hết, mỗi khi ngồi xổm là tôi nghiêng về bên phải để chân trái đỡ đau. Những lúc đứng dậy tôi phải chống tay và nhiều lần bị xiểng niểng” - anh H. nói.

Theo anh H., công việc chính của anh hiện nay là khuân vác cho một công ty kinh doanh phân bón. “Tôi làm việc này đã được sáu năm. Có lúc vác bao phân bón lên xe tải, cũng có khi vác xuống tàu. Hiện nay do chân trái đau nhức nên tôi không thể vác phân bón nhiều như trước” - anh H. nói thêm.

Sau khi thực hiện các bước khám bệnh, ThS-BS Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng khoa Cơ xương khớp, cho biết anh H. bị thoái hóa gối. “Do tính chất công việc, anh H. phải thường xuyên vận động chân cẳng. Anh H. liên tục lặp đi lặp lại hoạt động di chuyển nên khớp gối được sử dụng nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến anh H. sớm bị thoái hóa gối” - ThS-BS Trân giải thích.

Cùng ngày, anh NMK (27 tuổi, ở Long An) đến khám tại khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân 115 trong tình trạng đau vùng thắt lưng. “Nhiều lúc tôi không thể đi thẳng mà phải ưỡn về trước và nghiêng phía bên phải. Chưa hết, không ít lần đau nhói khi nằm thẳng nên tôi thường phải nằm nghiêng” - anh K. cho biết. “Tôi phụ hồ hơn bảy năm. Mỗi lần mang gạch cho thợ xây tường là tôi nhờ người làm chung chất lên lưng độ 30 cục. Một ngày tôi chất hàng chục, hàng trăm lượt gạch lên lưng” - anh K. kể.

Theo ThS-BS Trân, do mang vác vật nặng trên lưng sai tư thế nên anh K. bị thoái hóa cột sống thắt lưng. Nếu không điều trị sớm, cột sống sẽ biến dạng và ảnh hưởng đến chức năng vận động sau này.

Bác sĩ BV Nhân dân 115 (TP.HCM) đang thăm khám bệnh nhân trẻ tuổi bị thoái hóa khớp gối. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đừng để thành người tàn phế

“Khi mới bị thoái hóa khớp, hiện tượng đau nhức, mỏi vùng khớp sẽ xuất hiện và có thể tự hết. Tuy nhiên, khi cơn đau xuất hiện trở lại sẽ hành bệnh nhân liên tục. Không chỉ vậy, mức độ đau sẽ tăng dần khiến vùng khớp bị nóng và sưng lên. Đến giai đoạn muộn khớp sẽ hư nặng, độ nhờn trong khớp hao hụt, sụn bị mòn, người bệnh đi lại khó khăn. Thậm chí khi di chuyển sẽ nghe lộp khộp. Không điều trị, thoái hóa khớp sẽ làm biến dạng trục cổ xương khiến đi đứng không thẳng, vẹo ngoài hoặc vẹo trong. Chưa hết, thoái hóa khớp còn dẫn đến hiện tượng đi vòng kiềng, quỳ khó, ngồi xuống đứng lên đau” - TS-BS Nguyễn Đình Phú cho biết.

“Theo tôi, nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi có thể do lạm dụng thuốc chứa “đề-xa”. Bên cạnh đó, thói quen thường xuyên dùng rượu bia, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bệnh nội khoa đi kèm… cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp” - TS-BS Phú nói.

ThS-BS Đoàn Thị Huyền Trân cho biết thêm nếu thiếu sự tập luyện các nhóm cơ liên quan đến khớp cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp. “Cần phải “tiết kiệm” khớp. Bởi lẽ các khớp nếu sử dụng thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng lão hóa sớm” - ThS-BS Trân cho biết thêm.

Tương tự, ThS-BS Dương Minh Trí, Phó Trưởng khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết gần đây bệnh viện này cũng ghi nhận không ít trường hợp bệnh nhân độ tuổi trên dưới 30 bị thoái hóa khớp. “Thoái hóa gối chiếm tỉ lệ cao nhất. Không khó để nhận biết bị thoái hóa gối. Ngồi trên ghế, lòng bàn tay đặt lên đầu gối rồi giơ chân lên xuống. Nếu bàn tay cảm nhận được lục cục bên dưới đồng nghĩa đã bị thoái hóa gối. Kế đến là thoái hóa cột sống thắt lưng. Khi xoay lưng, nghe tiếng kêu thì hãy nghĩ đến căn bệnh thoái hóa khớp” - ThS-BS Trí nói.

Phòng tránh thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi bằng cách thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Tránh béo phì bởi sức nặng cơ thể sẽ tì đè lên khớp gối khiến dễ bị thoái hóa gối. Bên cạnh đó, chúng ta cần siêng năng vận động và luyện tập vừa sức để cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông, tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Đi đứng, lao động tay chân phải đúng thế.

ThS-BS ĐOÀN THỊ HUYỀN TRÂNTrưởng khoa Cơ xương khớp  BV Nhân dân 115, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm