Chống thực phẩm bẩn: Công khai địa chỉ ‘đen’ đến xử lý hình sự

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - hình sự (Bộ Tư pháp), cho rằng phải công khai địa chỉ thực phẩm bẩn khi nói về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý hình sự các hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ phát động chiến dịch chống thực phẩm bẩn được tổ chức sáng 15-4 tại Hà Nội.

Xử phạt hành chính, công bố địa chỉ “đen”

Theo bà Thoa, để ngăn chặn thực phẩm bẩn, trước tiên cần phải công khai địa chỉ cung cấp thực phẩm bẩn lên các phương tiện truyền thông đại chúng sau khi xử phạt hành chính. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp, cá nhân sản xuất thực phẩm bẩn bị mất niềm tin với người tiêu dùng, dẫn tới tự bị đào thải, bị tẩy chay.

“Quy trình thủ tục công khai được thực hiện theo Nghị định 81/2013, tức là sau ba ngày kể từ ngày xử phạt hành chính đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm về an toàn thực phẩm” - bà Thoa cho biết.

Trong một khảo sát mới đây của nhóm chống thực phẩm bẩn tại Hà Nội, có 6/32 cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT các tỉnh có thông báo công khai các địa chỉ cung cấp thực phẩm bẩn đã bị xử phạt. Còn lại 24 cổng thông tin không có thông báo xử phạt, địa chỉ đen vì thế đã khiến cho người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo là hành vi giết người hàng loạt. Ảnh: Đ.TRUNG

Siết quản lý chất tạo nạc

Trong công văn khẩn gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia hôm 13-4, Bộ Y tế cho biết trong hai năm 2014-2015, chỉ có 20 công ty đề nghị cấp phép nhập salbutamol với số lượng 3,9 tấn (năm 2014) và 5,2 tấn (năm 2015). Sau khi hậu kiểm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát hiện và đình chỉ hoạt động ba công ty. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược khẳng định vẫn chưa có cơ sở chứng minh số lượng salbutamol bán không đúng quy định được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng trong số 9,4 tấn (chênh với con số của Bộ Y tế 0,2 tấn) salbutamol nói trên, số lượng đã sử dụng làm thuốc chữa bệnh là 1,7 tấn, tồn kho trên 1,3 tấn (tính đến tháng 1-2016), lượng salbutamol còn lại sau khi bán ra thị trường đã thu hồi được hơn hai tấn. Số còn lại đang được Bộ NN&PTNT, công an tiếp tục kiểm tra, thu hồi. “Đây là con số có được qua phối hợp thanh kiểm tra trong đợt cao điểm vừa qua, còn số lượng chính xác nhất phải là con số do Bộ Y tế công bố” - ông Phát nói.

Ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an, cho biết số lượng chất tạo nạc bị bán ra ngoài phải được làm rõ có bao nhiêu tấn được sử dụng trong chăn nuôi heo. Tuy nhiên, việc phát hiện nhiều đàn heo có chất salbutamol đã không loại trừ lượng chất cấm này đã được đưa vào thực phẩm, cụ thể là thịt heo.

“Để các chất cấm tuồn ra ngoài là sai phạm của các công ty nhập khẩu. Đối chiếu với quy định quản lý nhà nước về giám sát các mặt hàng nhập khẩu trên mới thấy được sự bất cập. Không có văn bản nào quy định sau khi cấp phép nhập khẩu thì phải cộng đuổi, trừ lùi và giám sát các sản phẩm này sản xuất ra là bao nhiêu và đi về đâu” - Đại tá Trần Trọng Bình khẳng định.

Mạnh tay với chất cấm

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết thời gian qua đã xử lý 13 công ty vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm đối với 11 công ty và đã công khai tất cả công ty vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Gần đây các địa phương cũng đã tích cực hơn trong việc kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi nhờ các giải pháp đồng loạt, đặc biệt là khi đưa các quy định phạt nặng hành vi này vào Luật Hình sự sẽ có hiệu lực từ tháng 7-2016. “Thanh tra Bộ đang chỉ đạo truy xuất nơi sản xuất và xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt đợt vừa qua, C49 phối hợp với Thanh tra Bộ đã phá đường dây mua bán chất tạo nạc quy mô lớn tại TP.HCM, phát hiện các đối tượng đang giao dịch hơn 200 kg salbutamol” - ông Việt cho biết.

Để xử lý dứt điểm mang lại niềm tin của người tiêu dùng, trong năm 2016, thanh tra Bộ sẽ tập trung tạo sự chuyển biến ở bốn lĩnh vực chính là chất cấm trong chăn nuôi, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phân bón hữu cơ và vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Việc thanh, kiểm tra để chấn chỉnh vật tư nông nghiệp đầu vào sẽ được thúc đẩy mạnh, tiến tới chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, một số mặt khác sẽ tạo ra chuyển biến căn bản, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông NGUYỄN VĂN VIỆT,
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định về các tội: Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317). Đặc biệt, quy định nhiều mức xử phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Riêng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có khung hình phạt tối đa tới 20 năm tù.

NGUYỄN THỊ KIM THOA, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - hình sự (Bộ Tư pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm