Chống dịch kiểu “nước tới chân mới nhảy”!

Cuối năm 2013, dịch sởi bắt đầu bùng phát nhưng đến tháng 4-2014, ngành y tế mới có chỉ đạo quyết liệt tiêm vét vaccine. Dịch tay-chân-miệng, sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, hiện cũng đang vào mùa, thế nhưng cách đây một tuần ngành y tế mới phát động chiến dịch rửa tay. Dưới góc nhìn của người làm công tác điều trị nhiều năm kinh nghiệm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, cho rằng kiểu chống dịch hiện nay là “nước đến chân mới nhảy”, tức có ca nặng, tử vong mới lo phòng bệnh.

Chờ dịch phát tán mới chống dịch

. Thưa bác sĩ, là người chuyên về điều trị - hứng hậu quả do dự phòng kém, ông có nhận định gì về cách chống dịch hiện nay?

+ BS Trương Hữu Khanh: Trong công tác phòng, chống dịch, ai cũng biết lý thuyết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh tốt thì công tác điều trị không căng thẳng. Vì vậy công tác chống dịch đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành và quan trọng nhất là ý thức của người dân. Nhưng thói quen chống dịch hiện nay là “nước đến chân mới nhảy”.

Đa số thông tin tuyên truyền, công tác chống dịch chỉ thực hiện khi bệnh vào mùa, số ca thực sự tăng, thậm chí chỉ khi có ca nặng và tử vong. Người quản lý thường đặt câu hỏi số ca bệnh có tăng không so với cùng kỳ năm ngoái, có dịch thực sự chưa. Người dân thì chờ thông tin có nhiều người mắc bệnh, có ca tử vong mới tìm hiểu cách phòng bệnh. đa số không có điều kiện tiếp xúc thông tin, chỉ nghĩ đến chuyện này khi trong nhà có người thân mắc bệnh thập tử nhất sinh.

. Một giáo sư đầu ngành y từng nói muốn phòng bệnh tốt phải có phong trào liên tục và thường xuyên. Ý kiến của ông thế nào?

+ Đúng như vậy, chúng ta cần bỏ thói quen chống dịch theo phong trào, tức chống dịch phải thường xuyên, đón đầu và quyết liệt khi số ca tăng cao hay có ca tử vong.

Một trẻ bị bệnh tay-chân-miệng ở Đồng Tháp chuyển lên BV Nhi đồng 1 điều trị. (Ảnh chụp ngày 22-5) Ảnh: TÙNG SƠN

Chống dịch không của riêng ngành y

. Vậy theo bác sĩ cần phải chống dịch bệnh như thế nào?

+ Chúng ta phải hiểu phòng, chống dịch bệnh là chuyện của đa ngành. đương nhiên ngành y tế chủ đạo nhưng vai trò của giáo dục, truyền thông, lãnh đạo địa phương cũng không kém quan trọng.

Đối với bệnh chưa có vaccine nên tuyên truyền trước một vài tháng khi bệnh đến mùa, sử dụng số liệu của những năm nặng nhất ở nước ta và khu vực để người dân và cán bộ biết tầm quan trọng của những việc cần làm ngay. Khi bệnh chuẩn bị vào mùa thì tuyên truyền mạnh hơn. Khi có bất thường về số ca thì càng phải quyết liệt hơn.

Nhà quản lý cần có chỉ đạo, kế hoạch hằng năm. Khi bệnh bắt đầu tăng và xuất hiện ở nhiều địa phương thì sự quyết liệt và huy động toàn bộ nguồn lực là quan trọng nhất.

. Thưa bác sĩ, vai trò của người dân trong phòng, chống dịch bệnh thế nào?

+ Ý thức của từng người dân đặc biệt quan trọng. Ai cũng biết rửa tay đúng là hiệu quả nhưng người dân chỉ thực hiện khi nghe thông tin có bệnh dịch. Chúng ta dạy cho trẻ em cách rửa tay đúng nhưng người lớn lại không làm gương. Ai cũng biết không có lăng quăng là không thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng một số người dân chỉ thực hiện điều này khi chính trong gia đình họ có người mắc bệnh, thậm chí bệnh nặng đe dọa tính mạng.

Tiêm chủng dịch vụ và chương trình không liên thông

. Ông đánh giá thế nào về thực trạng tiêm chủng và quản lý tiêm chủng?

+ Đối với bệnh có vaccine, ngoài biện pháp phòng ngừa cơ bản thì độ phủ, tỉ lệ tiêm chủng quyết định tất cả. mọi sự lơ là trong công tác tiêm chủng sẽ phải trả giá. Kinh nghiệm thấy rõ khi dịch sởi quay lại do “sợ vaccine”, sự tréo ngoe giữa lịch tiêm chủng quốc gia và nhà sản xuất vaccine dịch vụ, cộng thêm sự giải thích thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết của người thực hiện tiêm vaccine 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) làm một số đông trẻ không tiêm sởi lúc chín tháng tuổi, góp phần cho dịch sởi năm nay tăng.

Hiện nước ta còn nghèo nên cùng lúc có hai hệ thống tiêm chủng, tiêm chủng quốc gia miễn phí và tiêm chủng tự chọn (dịch vụ trả tiền). Hai hệ thống này cùng quan trọng như nhau nhưng xem ra sự gắn kết và trách nhiệm của hệ thống dịch vụ trong dịch tễ của nước ta dường như không đủ. Gần như hiện nay, quản lý số liệu dịch vụ, liên kết phân tích số liệu giữa hai hệ thống là không thể. Trách nhiệm này thuộc về nhà quản lý và hệ thống tuyên truyền.

Người dân chọn lựa tiêm chủng tự chọn cũng phải là nhà tiêu dùng thông minh, tham khảo nhiều nguồn thông tin để chọn đúng, đủ tùy theo lứa tuổi và điều kiện kinh tế.

. Xin cảm ơn ông.

DUY TÍNH thực hiện

 

Đô thị hóa cũng làm dịch bệnh gia tăng

. Các loại dịch bệnh như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu trước đây theo mùa rõ ràng nhưng nay hầu như có quanh năm. Theo ông, vì sao? 

+ Thật ra hiện tượng bệnh theo chu kỳ, xuất hiện rải rác quanh năm, xuất hiện nhiều theo đỉnh trong năm phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu chắc chắn có ảnh hưởng đến chu kỳ bệnh và mức độ lây. Thí dụ, khi nhiệt độ nóng hơn muỗi sẽ bay xa hơn; tốc độ đô thị hóa sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan và khó khăn trong phòng bệnh; sự xuất hiện của type tác nhân mới sẽ làm số ca bệnh nhiều hơn và có thể nặng hơn.

Hiện nay bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết ở miền Nam (nhóm bệnh chưa có vaccine) sẽ xuất hiện đều đặn, khó có chuyện giảm nhanh số ca mắc theo năm.

. Năm nay dịch tay-chân-miệng quay lại chu kỳ ba năm, vậy theo bác sĩ nó có bùng phát như năm 2011?

+ Năm 2011 dịch tay-chân-miệng gây chết nhiều người là do thay đổi type huyết thanh và quá tải, cũng như kinh nghiệm của hệ thống nhi ứng phó với dạng bệnh không đủ. Năm nay, theo chu kỳ và type mới là có. Còn việc có chắc chắn dịch bệnh này nặng như 2011 hay không thì khó nói nên phải phòng, chống và chuẩn bị chiến đấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm