Chống dịch, bao năm vẫn khẩu hiệu 'diệt lăng quăng'

Chúng ta chắc vẫn chưa quên mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) năm 2015 lên đến đỉnh vào tháng 10 với hơn 40.000 ca trên khắp cả nước, trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu với gần 10.000 ca SXH nhập viện. Để giải thích về việc vì sao lượng bệnh nhân SXH tăng đột biến trong năm, ngành y tế cho rằng đây là vấn đề khá quen thuộc, chu kỳ SXH ba năm một lần. Do hai năm trước thấp nên năm nay là đỉnh dịch, việc số lượng bệnh nhân SXH tăng là dễ giải thích.

Đến năm 2016, chỉ mới cuối tháng 7, lượng bệnh nhân nhập viện do SXH đã tăng lên 44.859 trường hợp tại 46 tỉnh/TP tiến hành thống kê. Và tiếp tục như thường lệ, lãnh đạo ngành y tế lại yêu cầu các tỉnh tăng cường phòng, chống dịch, tìm ổ bệnh, phun xịt thuốc, sàng lọc bệnh… vẫn với khẩu hiệu khá quen thuộc “Nhà nhà diệt lăng quăng, người người diệt lăng quăng”. Thế nhưng dịch SXH vẫn nối đuôi nhau leo thang đến cuối năm.

Thông tin cảnh báo sốt xuất huyết trên địa bàn một phường ở quận 12, TP.HCM. Ảnh: T.NGỌC

Câu chuyện đó lại lặp lại báo động trong năm 2017, khi đến đầu tháng 8 số bệnh nhân nhập viện do SXH trên cả nước đã hơn 71.000, trong đó Hà Nội tăng gấp 10 lần so với năm ngoái, TP.HCM vẫn là nơi có lượng bệnh nhân SXH cao nhất nhì cả nước.

Lần này lãnh đạo ngành y tế không giải thích là do chu kỳ dịch, do lơ là mà nguyên nhân một phần do… vỡ đường ống nước sông Đà và năm nay nhuận (hai tháng 6) nên dịch SXH khó kiểm soát (!).

Và vẫn không một hướng đi nào mới cho công tác phòng, chống dịch, vẫn chờ đến khi dịch tăng khủng khiếp, các đoàn kiểm tra, giám sát được thành lập, lãnh đạo bộ, ngành tức tốc đi thị sát. Vẫn những chỉ đạo quen thuộc với cán bộ phòng, chống dịch: “tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng, không vật chứa trong nhà, tăng cường phun xịt”… Mọi thứ rất căng thẳng, thế nhưng đối ngược với sự sốt sắng đưa ra giải pháp từ cấp lớn đến cấp nhỏ, người dân vẫn chưa được hưởng chút cố gắng nào từ chương trình phòng, chống dịch.

Xung quanh những khu nhà lụp xụp ven sông Sài Gòn, phường Hiệp Bình Chánh, khu sinh viên ĐH Quốc gia…, người dân không hề biết nhà mình, khu phố mình đã có ai phun thuốc chưa. Lịch phun xịt đầy đủ như thế nào hay việc diệt lăng quăng, bọ gậy cần thiết đến đâu. Người dân chỉ biết khi nào mắc bệnh thì đi bệnh viện, hết hay không cũng chỉ người dân tự lo.

Dịch mỗi năm một tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, trên vẫn quay cuồng chống dịch. Thế nhưng chỉ đạo từ trên xuống theo văn bản, khẩu hiệu, băng rôn… liệu có bị tắc nghẽn nơi nào mà cứ đến hẹn lại lên, dịch năm nay cao hơn năm trước?

Qua nhiều năm chống dịch, hiệu quả thực chất chưa thấy nhưng nguyên nhân dịch tăng luôn được tìm ra, tất tần tật là nguyên nhân chủ quan, từ sự lơ là, thiếu quan tâm của người dân đến do thời tiết, biến đổi khí hậu. Vậy vai trò từ ngành y tế, nhất là những người làm công tác dự phòng ở đâu? Và trách nhiệm nhìn nhận lại mình của lãnh đạo ngành, tìm ra một phương hướng mới thực tế hơn, gần dân hơn, hiệu quả hơn có cấp bách hay không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm