Chặn đứng tiểu máu dai dẳng không cần phẫu thuật

Ngày 19-12, bác sĩ (BS) Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện (BV) đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết nơi đây vừa điều trị thành công trường hợp tiểu máu dai dẳng do giả phình mạch thận sau chấn thương.

Trước đó, BV tiếp nhận bà NTA (58 tuổi, ở TP Cần Thơ) trong tình trạng tiểu máu đỏ tươi toàn dòng. Bà A. cho biết cách đây sáu tháng bị té xe chấn thương vùng hông trái, sau đó có hiện tượng tiểu máu.

Dù đã uống thuốc (không rõ loại) nhưng bệnh tình của bà A. không giảm, ngược lại còn có chiều hướng ngày càng xấu nên bà đến BV đa khoa Trung ương Cần Thơ khám.

Tại đây, các BS hội chẩn thống nhất chỉ định chụp mạch máu số hóa xóa nền để kiểm tra mạch máu thận cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy rò động mạch thận phân thùy dưới thận trái tạo thành giả phình động mạch thận trái.

Sức khỏe bà A. ổn định sau điều trị tiểu máu dai dẳng. Ảnh: BVCC

Các BS quyết định không phẫu thuật mổ mở thận để cắt giả phình mạch mà xử lý bằng cách nút tắc bằng một coil. Sau khi đặt coil, các BS kiểm tra và ghi nhận đã bít hoàn toàn lỗ rò động tĩnh mạch và đoạn giả phình mạch. Hiện sức khỏe bà A. đã ổn định.

Theo BS Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Khoa ngoại thận tiết niệu BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, túi phình giả động mạch thận thường xảy ra sau biến chứng thủ thuật can thiệp thận (sinh thiết thận, mở thận ra da, phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật hở thận) hoặc bị chấn thương xuyên thấu thận và sau chấn thương thận kín.

Trước đây, bệnh nhân thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mở thận để cắt bỏ đoạn giả phình. Tuy nhiên, phương pháp này đôi khi phải chấp nhận mất một phần không nhỏ nhu mô thận cũng như nguy cơ tai biến của một cuộc phẫu thuật.

Những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ của can thiệp nội mạch, các biện pháp điều trị bảo tồn thận ngày càng được ứng dụng nhiều hơn như: Thắt nhánh động mạch bị rò, gây thuyên tắc, chèn bóng hoặc bít đoạn rò và giả phình mạch bằng coil...

“Phương pháp bít đoạn rò và giả phình mạch bằng coil được xem là an toàn và hiệu quả do tránh được các biến chứng huyết khối hệ thống của các phương pháp tắc mạch khác cũng như xâm lấn tối thiểu. Phương pháp này còn rút ngắn thời gian can thiệp” - BS Lộc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm