Cấp giấy VSATTP chặt chẽ hơn!

Cách đây hơn ba năm (ngày 6-11-2011), báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Vệ sinh an toàn thực phẩm: Học như đi chơi”. Bài viết phản ánh thực trạng xô bồ trong việc tổ chức tập huấn kiến thức và cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho những người tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm của một số trung tâm y tế dự phòng quận, huyện ở TP.HCM.

Sẽ khai tử giấy chứng nhận

Trước đây việc tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP dựa vào Quyết định 43/2005 của Bộ Y tế. Theo quyết định này, các cơ sở chuyên ngành VSATTP có thể tổ chức hoặc tham gia tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho người học.

Tuy nhiên, ngày 9-4 mới đây, ba bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương ban hành Thông tư liên tịch 13/2014 (có hiệu lực từ ngày 26-5) hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo thông tư này, ba bộ nói trên tổ chức thực hiện việc xác nhận kiến thức VSATTP thuộc lĩnh vực quản lý theo nguyên tắc cấp nào cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP thì cấp đó có quyền cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP.

Nhân viên trong doanh nghiệp sản xuất bò viên, cá viên sẽ do ngành NN&PTNT cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP. Ảnh: TRẦN NGỌC

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, giải thích: “Căn cứ Thông tư liên tịch 13/2014, chủ doanh nghiệp (DN) chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn các điều kiện VSATTP cho nhân viên dựa vào tài liệu được cơ quan quản lý cung cấp. Sau đó chủ DN đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP cho nhân viên. Trong vòng 10 ngày, cơ quan thẩm quyền tổ chức kiểm tra kiến thức VSATTP dựa vào bộ câu hỏi có sẵn. Người nào trả lời đúng 80% thì được cấp giấy xác nhận”.

“Trước đây nhân viên DN cùng lúc phải tập trung tập huấn 1-2 ngày, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chưa hết, DN còn phải thanh toán chi phí tập huấn. Lớp tập huấn lại khá đông, tiếp thu của người học ít nhiều ảnh hưởng. Theo Thông tư liên tịch 13/2014, DN chủ động thời gian hướng dẫn hoặc gửi tài liệu để nhân viên tự học, lại không mất khoản tiền khá lớn cho việc tập huấn. Đến ngày kiểm tra để cấp giấy xác nhận, nhân viên DN chỉ mất 1-2 tiếng. Nhìn chung DN có nhiều thuận lợi khi thực hiện việc cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP” - bà Mai cho biết.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, không ít thắc mắc xoay quanh Thông tư liên tịch 13/2014. Ông Thành (chủ DN sản xuất bò viên, cá viên ở quận 8) cho biết hơn 10 nhân viên của ông vừa được Chi cục ATVSTP TP.HCM cấp giấy chứng nhận tập huấn. “Theo phân cấp, DN của tôi chịu sự quản lý của Sở NN&PTNT TP.HCM. Vậy giấy chứng nhận của Chi cục ATVSTP TP.HCM còn giá trị không? Tôi có phải đề nghị Sở NN&PTNT cấp giấy xác nhận kiến thức sau ngày 26-5 (ngày Thông tư liên tịch 13/2014 có hiệu lực) không” - ông Thành đặt câu hỏi.

Tương tự, bà Châu là chủ DN ở Tân Bình, kinh doanh nhiều mặt hàng như nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh (cá, mực, tôm)... Bà phân vân: “Tôi vừa kinh doanh mặt hàng do ngành công thương quản lý, vừa buôn bán sản phẩm do ngành NN&PTNT quản lý. Vậy sau này ngành nào sẽ cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP cho nhân viên của tôi? Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP do Trung tâm Y tế quận Tân Bình cấp còn được sử dụng không?”.

Liên quan thắc mắc của ông Thành, ông Hòa giải thích: “Trước đây ngành y tế có chức năng tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP. Sau này căn cứ vào Thông tư liên tịch 13/2014, DN sản xuất bò viên, cá viên thuộc thẩm quyền quản lý của Sở NN&PTNT TP.HCM thì ông Thành liên hệ sở này để được hướng dẫn cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, hiện đang trong thời điểm giao thoa, ba bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương chưa chính thức ban hành bộ câu hỏi đánh giá kiến thức VSATTP nên giấy chứng nhận do Chi cục ATVSTP cấp vẫn còn giá trị. Ba sở ở TP.HCM là Y tế, NN&PTNT, Công Thương sẽ họp bàn để có kết luận thống nhất”.

Trường hợp bà Châu, ông Hòa cho biết Thông tư liên tịch 13/2014 quy định nếu DN kinh doanh nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý từ hai bộ trở lên thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý (trừ chợ đầu mối nông sản thực phẩm). Do vậy Sở Công Thương TP.HCM quản lý DN kinh doanh của bà Châu. Sở này cũng có trách nhiệm cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP cho nhân viên của bà Châu. “Trước khi có kết luận chính thức của ba sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương thì giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP do trung tâm y tế dự phòng quận/huyện TP.HCM cấp vẫn còn giá trị. Cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc sử dụng giấy chứng nhận và cấp lại giấy xác nhận kiến thức VSATTP” - ông Hòa nhấn mạnh.

TRẦN NGỌC

 

Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực ba năm kể từ ngày ký. Nội dung kiến thức về ATTP bao gồm kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành. Kiến thức chung gồm các quy định pháp luật về ATTP; các mối nguy ATTP; điều kiện ATTP; phương pháp bảo đảm ATTP; thực hành tốt ATTP.

Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm