Cảnh giác tử vong vì chó dại cắn

Ngày 5-6, theo thông tin từ khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, vừa có thêm một bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Như vậy, theo ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm, trong vòng ba tuần đã có hai bệnh nhân tử vong do bệnh dại.

Bác sĩ thú y chết tức tưởi

Trường hợp lần này khá hy hữu vì bệnh nhân tử vong lại là chị Phan Thị C. (24 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội), là bác sĩ thú y, đang làm việc tại một phòng khám thú y tư nhân tại Phú Thọ.

Theo gia đình cho biết, hơn một tháng trước khi nhập viện, trong lúc đang làm việc, bệnh nhân bị chó bệnh cắn vào tay, vết cắn ở vị trí bàn tay phải. Sau khi bị cắn bệnh nhân đã sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Sau bốn ngày con chó chết, tuy nhiên bệnh nhân vẫn không tiêm phòng vaccine dại vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên (!?).

Cách vào bệnh viện một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, sau đó lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước.

PGS-TS-BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, cho biết: Bệnh nhân được chuyển đến khoa Truyền nhiễm lúc 20 giờ ngày 3-6 trong tình trạng điển hình của bệnh dại: Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng hốt hoảng, vật vã, sợ gió, sợ nước, có tiếng thít thanh quản khi uống nước, rối loạn thần kinh thực vật, nhịp tim nhanh 140 lần/phút.

Bệnh tiến triển rất nhanh, đến sáng 4-6 bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Sau khi được cấp cứu, nhịp tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng tình trạng nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và tử vong lúc 10 giờ sáng 4-6. Theo người nhà kể, hai người khác cũng bị con chó này cắn nhưng đã đi tiêm phòng và thoát chết.

“Điều đáng đau xót là bệnh nhân mặc dù làm bác sĩ thú y, khi thấy chó có biểu hiện bệnh, chết, lẽ ra chị phải hiểu được việc cần thiết của việc đi tiêm phòng dại nhưng bệnh nhân quá chủ quan, không đi tiêm” - PGS Cường chia sẻ.

Chó nuôi cần được tiêm vaccine để ngừa dại. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đã lên cơn dại thì chẳng thuốc nào chữa khỏi

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền bài viết đề cập đến bài thuốc “thần kỳ” cứu sống nhiều người bị chó dại cắn do một “danh y” ở tỉnh Quảng Trị “bào chế”. Bài viết còn kể câu chuyện một bà từ tỉnh Đồng Nai đưa con trai 10 tuổi bị chó dại cắn vượt hàng trăm cây số gặp “danh y” nhờ chữa bệnh và đã khỏi. Bà này cho biết mặc dù con bị chó dại cắn nhưng bà nhất quyết không cho tiêm vaccine ngừa dại vì sợ gây nguy hại sức khỏe cho con.

Theo bài viết, bài thuốc chữa bệnh dại “thần kỳ” của “danh y” tổng cộng 12 loại lá cây. Trong đó, lá mãng cầu xiêm và lá cây hoa dẻ kết hợp có tác dụng chữa độc chó cắn. “Giá trọn gói của bài thuốc trị dứt chó dại cắn là 500.000 đồng, khá “khiêm tốn” so với thuốc Tây ” - bài viết đúc kết.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đem bài thuốc chữa bệnh dại thần kỳ hỏi BS Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền, BV Nhân dân 115 TP.HCM, thì được BS Thắng cho biết: “Một khi đã phát cơn do chó dại cắn thì chết. Từ trước tới nay chưa ai lên cơn dại mà được cứu sống”. Theo BS Thắng, hiện không có bất kỳ bài thuốc Đông y nào có thể chữa khỏi người lên cơn dại.

Đồng tình với BS Thắng, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cảm thán: “Tôi đau lòng khi từng chứng kiến hình ảnh vài người lên cơn dại chỉ vì dùng những bài thuốc Đông y truyền miệng không chứng cứ khoa học”.

Liên quan đến thông tin vaccine ngừa dại gây nguy hại cho sức khỏe như một số người đồn thổi, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, khẳng định vaccine ngừa dại hiện nay thuộc thế hệ mới nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 74 người chết do bệnh dại. Riêng trong ba tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm