Cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mùa lễ hội

Sáng 23-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và 10 tỉnh, thành khu vực phía Nam có đường biên giới gồm: Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh... về kiểm soát tình hình dịch COVID-19.

108 trường hợp nhập cảnh trái phép trong một tháng

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo cho đến nay đã phát hiện 246 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 72 ca mắc trong cộng đồng, 74 trường hợp nhập cảnh và đã điều trị hết cho 222 trường hợp. TP đã trải qua 69 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.

Bốn tháng qua, TP đã phát hiện nhiều ca nhập cảnh trái phép, trong đó có bốn ca dương tính với SARS-CoV-2. Gần đây nhất là ba người từ Campuchia về, có thời gian tạm trú ngắn tại TP.HCM, may mắn là cả ba người đã có xét nghiệm âm tính.

Liên quan đến tình hình tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo ông Bỉnh, TP đang gấp rút triển khai việc tiêm vaccine đảm bảo an toàn, chất lượng và đúng tiến độ cho nhóm đối tượng ưu tiên.

Trước tình hình người nhập cảnh trái phép, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ chủ động phối hợp  với các địa phương có đường biên giới để có các biện pháp phòng chống dịch.

Người đứng đầu TP nêu thông tin chỉ trong vòng một tháng qua, TP đã phát hiện 108 trường hợp nhập cảnh trái phép. “Đây là hành vi không chấp hành pháp luật, tạo độ lây lan dịch nguy hiểm khôn lường nếu không phát hiện kịp thời” - chủ tịch TP nêu. Do đó, chủ tịch TP đề nghị có biện pháp chế tài hết sức mạnh mẽ, kiên quyết, cần thiết truy tố các đối tượng nhập cảnh trái phép để có tác dụng răn đe.

Trốn càng lâu, xử lý càng nặng

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tình hình dịch COVID-19 ở khu vực châu Á đang diễn biến phức tạp, chỉ trong tuần qua, số ca mắc mới đã tăng lên hơn 30%. Ở trong nước, nguy cơ dịch bệnh rất lớn khi mùa du lịch, lễ hội bắt đầu sôi động. Sắp tới, nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người sẽ được tổ chức như dịp 30-4, 1-5, bầu cử... Tâm lý xã hội chủ quan sau thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Do đó, phó thủ tướng đề nghị cần “siết” lại biện pháp chống dịch ở mọi mặt, trước hết là kiểm soát chặt tình hình người nhập cảnh. Theo phó thủ tướng, cần tiếp tục đưa người về trên tinh thần không chỉ cách ly an toàn mà kể cả theo dõi sau cách ly, đặc biệt tăng cường kiểm soát ở vùng biên giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (đang phát biểu) 
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp. Ảnh: NT

Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh có đường biên giới phải chủ động, sẵn sàng cho những tình huống dịch xâm nhập từ bên ngoài, đảm bảo đủ cơ sở vật chất cách ly. Phó thủ tướng nhấn mạnh tất cả trường hợp nhập cảnh trái phép phải được xử lý nghiêm.

“Đối với đường bộ và đường biển, tinh thần chung là khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài cố gắng hạn chế di chuyển, ở lại nước bạn, tuân thủ các biện pháp chống dịch của nước sở tại. Những trường hợp có hoàn cảnh éo le, thực sự phải về nước thì bà con cần khai báo với các cơ quan có thẩm quyền để tổ chức tiếp nhận, cách ly và có các biện pháp hỗ trợ y tế cần thiết. Tinh thần là hỗ trợ tối đa bà con, để bà con không phải băn khoăn suy nghĩ lý do trốn về trái phép” - phó thủ tướng chỉ đạo.

Theo phó thủ tướng, cần xem xét và xử lý mềm dẻo đối với một số trường hợp vì lý do bất khả kháng mà không thể làm thủ tục khai báo lãnh sự quán.

“Tất cả tàu cá đều có phương tiện thông tin, nếu có người nhập cảnh ở nước ngoài do bất khả kháng ở trên tàu đó thì phải báo trước về với người nhà, với cơ quan chức năng để trên bờ sẵn sàng chủ động đón bà con. Những trường hợp này chúng ta đối xử giống như nhập cảnh hợp pháp... Những người đã trốn về mà người nhà chủ động khai báo thì chúng ta coi đó là tình huống giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn phải xử lý. Những ai cố tình càng trốn lâu càng bị xử lý nặng, nhất là những người trốn lâu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, đến khi truy vết ngược trở lại thì sẽ phải xử lý thật nghiêm. Không thể chỉ vì một vài cá nhân mà làm gây họa cho cả nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Liên quan đến chi phí chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ có báo cáo Chính phủ hỗ trợ miễn phí cách ly, xét nghiệm cho người có hoàn cảnh khó khăn, không để người dân vì lý do khó khăn mà nhập cảnh trái phép.

Phải thực hiện nghiêm 5K

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại vừa qua có rất nhiều trường hợp nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2. “Nếu những trường hợp đó trốn, thâm nhập trong cộng đồng, dự các sự kiện đông người, làm lây lan dịch bệnh thì hậu quả khôn lường, sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trong bối cảnh cả nước sắp tới sẽ có nhiều lễ hội, ngày nghỉ như 30-4, bầu cử HĐND các cấp, phó thủ tướng đề nghị cả nước, không riêng gì TP.HCM và 10 tỉnh, thành có đường biên giới phải thực hiện tốt 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng. Đồng thời các cơ sở (trường học, bệnh viện, nhà máy...) cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19 với tinh thần “xanh thì hoạt động, đỏ thì dừng hoạt động”.

“Tất cả nơi công cộng, nơi tập trung đông người phải bắt buộc đeo khẩu trang, khuyến khích đeo khẩu trang vải được cấp phép để giảm chi phí, không ảnh hưởng đến môi trường” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đã vận động dân được 150 tỉ đồng mua vaccine 

Theo chủ tịch UBND TP.HCM, trong điều kiện vaccine phòng COVID-19 hiện nay không đủ cung ứng cho người dân, việc vận động xã hội hóa để mua vaccine tiêm rộng rãi cho toàn dân đang được người dân ủng hộ. Cho đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã vận động được 150 tỉ đồng ủng hộ mua vaccine. TP cũng đã báo cáo Bộ Y tế và Chính phủ tiến hành mua vaccine chủ động để phục vụ cho người dân. 

Chỉ lấy thông tin khai báo y tế cần thiết

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khai báo y tế là việc làm cần thiết để truy vết kiểm soát dịch COVID-19 lây lan, tuy nhiên để tránh nhiêu khê, đặc biệt là khai báo y tế ở sân bay, phó thủ tướng lưu ý Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát lại, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các ngành y tế, công an, hàng không... Không thu thập thông tin trên mức cần thiết phục vụ chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm