Cảnh báo dị tật lõm ngực tăng mạnh ở trẻ

Theo BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, mùa hè là thời điểm ghi nhận nhiều trẻ em bị lõm ngực nhập viện điều trị nhất. Tuy nhiên, so với hơn 50 ca được phẫu thuật năm 2015 thì đến thời điểm này số lượng bệnh nhân điều trị lõm ngực đã tăng lên con số 80 và chưa dừng lại. Hiện nay không có biện pháp nào can thiệp triệt để cho dị tật này ngoài mổ.

Lõm ngực là dị tật bẩm sinh không được nhiều người biết đến. Các nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến dị tật. Tuy nhiên, 30% xác định được là do yếu tố di truyền.

Dị tật lõm ngực ở trẻ con xuất hiện khá nhiều ở độ tuổi 3-4. Trên thế giới, cứ 300-400 trẻ lại có một trẻ bị lõm ngực. Ở những độ tuổi nhỏ hơn, nếu bé chưa có các triệu chứng như khó thở, lõm quá sâu thì gia đình rất khó nhận biết. Khi vượt quá độ tuổi trưởng thành, việc mổ sẽ khó khăn do xương đã cứng.

Em Nguyễn Quốc Thịnh (14 tuổi), sẽ được phẫu thuật lõm ngực vào ngày 29-7 có tình trạng lõm ngực không quá sâu. Mẹ Thịnh là chị Võ Thị Kim Cúc (Mỏ Cày, Bến Tre) cho biết từ trước đến giờ chị không hề biết về dị tật lõm ngực này ở trẻ nên cũng không biết con mình bị dị tật. Bé chỉ xuất hiện dấu hiệu mệt và đau khi ngồi lâu vài năm trở lại đây.

Thời gian gần đây, do gia đình thấy ngực bé có phần lõm vào trong nên đưa đi khám thì mới biết về bệnh lõm ngực. “Rất may là phát hiện sớm chứ để thêm thời gian nữa lại khổ cho bé” - chị Cúc cho biết.

Trẻ bị lõm ngực nếu không phẫu thuật sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh lý Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Theo BS Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nhi Đồng 1, độ tuổi lý tưởng nhất cho phẫu thuật lõm ngực là 8-15 tuổi. Vì lúc này cơ thể đã tương đối phát triển, việc đưa thanh kim loại vào lồng ngực để nâng xương ức lên sẽ hiệu quả.

Nếu để tình trạng lõm ngực sâu quá mức sẽ gây tình trạng em bé bị chèn ép các cơ quan phía dưới như tim, phổi, làm dung tích thở không tốt. Ngoài ra, dị tật lõm ngực dễ ảnh hưởng đến hô hấp và dẫn đến dị tật tim ở trẻ. Khi trẻ bị dị tật lõm ngực sẽ tự ti, không dám đi chơi, không dám mặc áo hở. Gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ và vấn đề vận động của trẻ.

Tại BV Nhi Đồng 1 có một số trường hợp bé dưới bảy tuổi, bênh viện sẽ cân nhắc xem bé có bị lõm ngực quá sâu hay không, có bị ảnh hưởng đến hô hấp tim mạch chưa, mức độ tác động lên tim thế nào, sau đó mới quyết định phẫu thuật.

BS Hiếu khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ ngực lõm vào trong nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của bé. Cho các bé tập thể dục, tham gia vận động và nhất là bơi lội để lồng ngực giãn nở tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm