Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây ghi nhận số ca F0 mới thấp dưới 40

Tối 23-8, Báo cáo nhanh về phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết trong ngày Cần Thơ ghi nhận thêm 39 ca nhiễm COVID-19, 117 ca khỏi bệnh và 1 ca tử vong.

Các quận huyện có nguy cơ cao, rất cao ở Cần Thơ vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng dân cư. Ảnh: NHẪN NAM

Tín chung từ ngày 8-7 đến nay, Cần Thơ đã có 3.809 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.147 người đã khỏi bệnh, 63 người tử vong (trong đó có 14 bệnh nhân COVID-19 tử vong do nguyên nhân khác).

Cạnh đó, báo cáo cho biết, trong ngày Sở đã trình UBND TP dự thảo phương án phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP sau ngày 25-8-2021.

Tại Bến Tre, trong ngày tỉnh này ghi nhận 17 ca mắc COVID-19 mới, 31 ca khỏi bệnh, 1 ca tử vong. Tính chung đến nay, Đồng Tháp đã có 1.583 người nhiễm COVID-19, trong đó có 986 người đã khỏi bệnh và 31 người tử vong.

Trong ba ngày (từ 20 đến 22-8-2021) ở 14 xã, phường trên địa bàn TP Bến Tre, cơ quan y tế đã lấy mẫu test nhanh được 35.264/36.018 đại diện hộ gia đình (mỗi hộ có một người tham gia), đạt tỷ lệ 97,91% tổng số hộ. TP Bến Tre cũng đã thực hiện test nhanh đối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Trong ngày Vĩnh Long ghi nhận thêm 10 ca dương tính COVID-19, 52 ca khỏi bệnh. Từ ngày 9-7 đến nay, tỉnh ghi nhận 2.015 ca mắc COVID-19 đã công bố, trong đó có 1.258 ca khỏi bệnh.

Cùng ngày, tỉnh Trà Vinh ghi nhận thêm 34 ca dương tính, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn tỉnh là 1.181 người, trong đó 352 người đã khỏi bệnh.

Đến nay, Trà Vinh đã phê duyệt 55.874 đối tượng (trong đó người bán lẻ vé số là 8.175 người) với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 84 tỉ đồng. Các đơn vị đã tiến hành chi hỗ trợ cho 48.716 người, với tổng số tiền hơn 73 tỉ đồng, đạt 87,2%.

 

Cà Mau, Bạc Liêu vừa nới lỏng lại siết theo Chỉ thị 16

Sáng sớm 23-8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định phong tỏa khẩn cấp toàn TP Bạc Liêu và nâng trở lại mức độ giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 sau… 3 giờ tỉnh này nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15. Nguyên nhân là do tỉnh này xuất hiện một ca F0 chưa rõ nguồn lây và có đến 150 F1.

Cùng ngày, Cà Mau cũng quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 24-8 sau ba ngày nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15. Nguyên nhân là do trong ba ngày nới lỏng giãn cách (21, 22 và 23-8), các ca dương tính ở tỉnh không giảm và có tính chất phức tạp. Cụ thể là chùm ca bệnh 8 người liên quan đến hai mẹ con từ TP.HCM về đã hoàn thành cách ly, đang trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà. Và một ca F0 là công nhân thủy sản với 80 F1 và hơn 300 F2.

Tỉnh Đồng Tháp trong ngày ghi nhận thêm 100 ca dương tính, 116 ca khỏi bệnh, 2 ca tử vong. Tính chung đến nay Đồng Tháp đã có 6.111 người nhiễm COVID-19, trong đó có 3.652 người đã khỏi bệnh, 118 người tử vong.

Cùng ngày UBND tỉnh ban hành quyết định tiếp nhận và phân bổ hơn 5.883 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 23-8, tin từ Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang cho biết, trong ngày địa phương không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, chỉ có 1 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đang được cách ly tập trung tại huyện Châu Thành A. Đến nay, Hậu Giang ghi nhận 400 ca mắc COVID-19, điểu trị khỏi 244 ca, 2 ca tử vong.

Trong ngày, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký quyết định khen 4 tập thể (hai giải nhất mỗi giải 25 triệu đồng, hai giải nhì mỗi giải 20 triệu đồng) trong phong trào thi đua thiết lập vùng xanh phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1. Đó là TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy với thành tích giữ vững vùng xanh, thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ với thành tích nâng lên vùng xanh.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, tính từ tối 22-8 đến sáng 23-8, tỉnh này ghi nhận 62 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 925 người.

Theo Công an tỉnh Kiên Giang, từ ngày 19-7 đến nay, công an các cấp đã phát hiện, xử lý 5 vụ với 6 người có hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch COVID-19.

  

 Long An: Thiết lập các trạm y tế lưu động hỗ trợ khu phong toả

 Sở Y tế tỉnh Long An vừa có công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An khẩn trương tham mưu UBND huyện, TP ban hành quyết định thành lập ngay các trạm y tế lưu động trên địa bàn, tổ chức triển khai hoạt động các trạm y tế lưu động theo kế hoạch được phê duyệt; Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết để vận hành trạm y tế lưu động.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Long An có văn bản kêu gọi huy động bổ sung lực lượng tình nguyện viên là cán bộ y tế tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể huy động các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Long An; Cán bộ y tế nghỉ hưu (đủ sức khỏe), cán bộ y tế không làm việc tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập: Bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược sĩ.

Các tình nguyện viên sẽ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19.

Các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch được hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19, hưởng các chế độ đối với các tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP; Nghị quyết số 58/NQ-CP… và các chế độ khác theo quy định hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm