Cam kết không bơm nước thịt bò

Sau khi Pháp Luật TP.HCMđăng bài “Kinh hãi bơm nước tăng trọng cho bò” (ngày 8-11) và “Thịt bò bơm nước tràn về TP.HCM” (ngày 10-11), Chi cục Thú y TP.HCM đã kiến nghị cơ quan thú y các tỉnh lân cận giám sát chặt hoạt động bơm nước cho bò tại các lò giết mổ” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.

Cũng theo ông Thảo, chi cục đã chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện yêu cầu tiểu thương, lái thịt cam kết không bán thịt bò bơm nước, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu, xử phạt. Nhờ sự quyết liệt này đến nay tình hình thịt bò bơm nước về các chợ TP.HCM đã giảm hẳn.

Nhiều lò không còn dám bơm nước

Rạng sáng 30-11, phóng viên Pháp Luật TP.HCM có mặt tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM), một chợ phân phối thịt bò lớn của TP.HCM để kiểm chứng lại những thông tin trên.

Mới 2 giờ sáng, chợ Phạm Văn Hai nhộn nhịp các xe chuyên dụng chở thịt bò vào chợ. Hầu hết các xe này xuất phát từ các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh…

Nhân viên Trạm Thú y Tân Bình kiểm tra thịt bò từ tỉnh đưa vào chợ Phạm Văn Hai. (Ảnh chụp lúc 2 giờ 10 ngày 30-11) Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Trần Văn Hoán, người trực tiếp nhận thịt bò từ các lò giết mổ rồi cung cấp cho tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, cho biết mỗi ngày ông nhận khoảng 800 kg thịt bò từ các lò mổ ở Long An, Tiền Giang... Trước đây hầu như toàn bộ thịt bò đều có màu hơi trắng vì bị bơm nước. Độ 10 ngày nay, do cơ quan chức năng tăng cường giám sát ở lò giết mổ nên thịt bò bị bơm nước giảm hẳn.

Bà Mai Thị Ngọc Nga, người kinh doanh thịt bò tại chợ Phạm Văn Hai hơn 10 năm nay, cho biết mỗi ngày bà nhận khoảng hai tấn thịt bò rồi phân phối lẻ. Mấy ngày nay thịt bò bơm nước về chợ giảm đáng kể. Nhờ vậy việc kinh doanh của bà có phần thuận lợi hơn dù giá thịt bò tăng từ 150.000 đồng lên khoảng 163.000 đồng/kg.

Ông Phạm Quang Lãm là người kinh doanh thịt bò từ lúc chợ Phạm Văn Hai mới thành lập cho biết mỗi ngày nhận khoảng 1,4 tấn thịt bò từ Long An. “Trước đây các lò đều bơm nước cho bò để tăng trọng lượng, thu lợi bất chính. Tôi nhận 100 kg thịt bò, sau khi pha lóc và thái nhỏ thu lại chỉ còn trên dưới 90 kg. Giờ thì mọi chuyện tạm ổn, nhiều lò không dám bơm nước cho bò nữa”. Tuy nhiên, ông Lãm tỏ ra nghi ngại chuyện này kéo dài không được lâu vì các lái bò có lắm mưu kế. Ông Lãm đề nghị cơ quan chức năng phải túc trực thường xuyên tại các lò và phạt nặng những trường hợp bơm nước cho bò.

Tiểu thương ký cam kết

ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y Tân Bình (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM), cho biết mỗi ngày chợ Phạm Văn Hai tiếp nhận khoảng 25 tấn thịt bò. Trong đó khoảng 22 tấn có nguồn gốc từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh.

“Trước đây tiểu thương phản ánh việc bò bị bơm nước nhưng vì các lô hàng đều có giấy chứng nhận kiểm dịch của các tỉnh nên cơ quan thú y chỉ lập biên bản nhắc nhở” - ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh thực trạng thịt bò bơm nước tràn vào TP.HCM, Chi cục Thú y TP.HCM có buổi làm việc với gần 30 tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ Phạm Văn Hai và các lái thịt. Chi cục yêu cầu tất cả tiểu thương và lái thịt ký cam kết không vận chuyển, tồn trữ, mua bán thịt bò không đảm bảo vệ sinh và có nguồn gốc từ các lò mổ từng bị phát hiện bơm nước cho bò. Đồng thời phải chấp hành việc xử phạt, xử lý khi có các hành vi vi phạm trong quá trình vận chuyển, tồn trữ, kinh doanh thịt bò bị bơm nước.

“Điều đáng mừng là sau khi tiểu thương và lái thịt làm cam kết, đến nay cơ quan thú y chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào” - ông Hải nói.

Bị lái bò dọa chém

Tại buổi họp với Chi cục Thú y TP.HCM, các tiểu thương chợ Phạm Văn Hai và lái thịt cho biết nếu không nhận thịt bò bơm nước khi đã có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y các tỉnh thì họ bị lái bò dọa chém.

Các tiểu thương và lái thịt đề nghị Chi cục Thú y TP.HCM kiến nghị cơ quan thú y các tỉnh không cho phép giết mổ bò có biểu hiện bị bơm nước; không cấp giấy kiểm dịch thịt bò có biểu hiện rỉ dịch do bơm nước. Ngoài ra, cơ quan nhà nước phải có giải pháp ngăn chặn bò bơm nước và phải thực hiện đồng bộ giữa các tỉnh, các quận, huyện. Việc này phải làm thường xuyên, mạnh tay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm