Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch sẽ kéo dài hơn trước, gây tác động diện rộng

Sáng 16-7, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch COVID-19 toàn quốc kết nối đến gần 130 điểm cầu trong cả nước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt đã được triển khai. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, dịch đang bùng phát hết sức phức tạp. Trong những ngày tới, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc mới, có nhiều trường hợp sẽ có khả năng tử vong.

Người vẫn đi lại, chợ vẫn họp đông

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: “Đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước và gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế xã hội nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến sáng 16-7. Ảnh: Trần Minh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các đợt dịch trước chỉ một đến một tháng rưỡi là kết thúc. Biến chủng Delta đang lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Với sự bám dính của virus vào tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh, virus này gây phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây.

Các giải pháp đã được quyết liệt triển khai nhưng kết quả chưa được mong muốn. Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt, nhiều khi còn chần chừ, nấn ná.

“Người dân đi lại vẫn nhộn nhịp, cửa hàng siêu thị vẫn mở trong khi đó Chỉ thị 16 quy định chỉ mở các dịch vụ thiếu yếu như thực phẩm, thuốc men. Chợ vẫn họp đông thì không thể chấm dứt chuỗi lây nhiễm được. Các khu công nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế.

Có địa phương chưa kiểm tra, chưa giám sát, chưa xét nghiệm, đặc biệt là tâm thế chuẩn bị cho tình hình dịch lan rộng kéo dài còn rất lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm”- Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra.

Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đánh giá, rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn, thay đổi chiến lược cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với thực tiễn.

400 ca tái dương tính không lây ra cộng đồng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin có một số thay đổi cơ bản trong phòng chống dịch hiện nay liên quan vấn đề cách ly, xét nghiệm, điều trị bệnh COVID-19 như giảm thời gian cách ly F1, sử dụng test nhanh là chính. Để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là TP.HCM nơi có tỉ lệ nhiễm cao, đặc biệt là khu vực có diễn biến phức tạp thì có thể sử dụng test nhanh gộp 3-5 mẫu trong một test.

Điều này vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tốc độ, đảm bảo độ nhạy gần tương đương mẫu đơn. Dù vậy, Bộ trưởng lưu ý với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh chỉ nên gộp tối đa là 5.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Trần Minh

Về điều trị bệnh nhân COVID-19, theo Bộ trưởng, việc phân tầng điều trị bệnh nhân sẽ tránh được lãnh phí nhân lực và trang thiết bị, cơ sở điều trị.

“Chúng tôi khuyến nghị các địa phương thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện”- Bộ trưởng Thanh Long nói.

Cũng liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói rõ, nếu bệnh nhân không triệu chứng có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng (nếu giá trị CT>=30) thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.

Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương sau khi ra viện và thực tế không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, khi các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng, không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch nữa. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

“Những thay đổi này giảm được thời gian nằm viện của bệnh nhân không triệu chứng và bệnh nhân nhẹ để tập trung điều trị bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị”- GS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm