Biến chứng thường gặp trong chạy thận nhân tạo

Sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 7 người chết khi đang chạy thận nhân tạo tại BV Đa Khoa tỉnh Hòa Bình đã gây ra rất nhiều hoang mang.

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay nguyên nhân vẫn chưa thể xác định, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng lý do sốc phản vệ tập thể đưa ra thời điểm đầu là khó thuyết phục.

Để làm rõ hơn điều này, BS Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa – Trưởng Khoa lọc máu – BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết trong chạy thận nhân tạo (CTNT) bệnh nhân gặp khá nhiều biến chứng. Trong đó biến chứng thường gặp nhất theo thứ tự tần suất là tụt huyết áp (20-30%), chuột rút (5-20%), buồn nôn và nôn (5-15%), nhức đầu (5%), đau ngực (2-5%), ngứa (5%) và sốt ớn lạnh (<1%).

Khi phát hiện tụt huyết áp trong lúc CTNT, hầu hết bệnh nhân than phiền cảm giác chóng mặt, choáng váng, hoặc buồn nôn. Một số bị chuột rút, số khác có thể có triệu chứng kín đáo, chỉ có thể thấy được bởi nhân viên y tế quen thuộc với bệnh nhân (chẳng hạn mất tỉnh táo, cảm giác tối sầm).

Ở một số bệnh nhân, không có triệu chứng nào cho tới khi huyết áp giảm cực thấp (và rất nguy hiểm). Vì lý do này, huyết áp phải được theo dõi đều đặn trong suốt quá trình chạy thận. Đo huyết áp mỗi giờ hoặc nửa giờ tùy thuộc vào từng trường hợp.

Theo BS Nghĩa, tụt huyết áp liên quan đến giảm quá mức hoặc nhanh chóng thể tích máu như: Tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, thời gian chạy thận ngắn, trọng lượng khô thấp hơn trọng lượng khô thực tế, tính lượng nước cần rút không chính xác hoặc nhầm. Tụt huyết áp trong chạy thận bắt nguồn chủ yếu từ giảm thể tích máu do rút dịch nhanh và hoặc số lượng nhiều (siêu lọc) mà đáp ứng huyết động bù trừ không đủ. Những nguyên nhân hiếm gặp khác dẫn đến tụt huyết áp bệnh nhân sẽ gặp phải như thuyên tắc khí, dị ứng màng lọc, tán huyết, nhiễm trùng huyết.

Bên cạnh tụt huyết áp, biến chứng buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường qui. Buồn nôn và nôn có thể có triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng. Do phản ứng màng lọc có thể gây buồn nôn và nôn. Liệt nhẹ dạ dày, rất thường gặp ở bệnh nhân đái đường, nhưng cũng gặp ở bệnh nhân không đái đường, sẽ nặng lên do chạy thận. Kèm theo biến chứng buồn nôn là các biến chứng khác như nhức đầu, đau ngực và đau lưng, ngứa.

“Khi chạy thận nhận tạo, những biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng khác mọi người cũng nên lưu ý như hội chứng mất cân bằng, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tắc khí”.

BS Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa

Dựa theo tài liệu nghiên cứu BS Nguyễn Nghĩa cho hay với những bệnh nhân có những biến chứng co giật, đờ đẫn hoặc hôn mê xảy ra trong lúc chạy thận, phải ngưng chạy thận. Nên kiểm soát đường thở và thông khi nhân tạo nếu cần. Nếu hôn mê do hội chứng mất cân bằng, bệnh nhân phải hồi phục trong vòng 24 giờ.

Với nguyên nhân từ phản ứng màng lọc, do dịch lọc bị nhiễm bẩn, dịch lọc nhiễm bẩn nồng độ cao vi trùng và endotoxin có thể khiến bệnh nhân sốt và ớn lạnh. Nếu BV sử dụng lại màng lọc khi chạy thận cho bệnh nhân, cũng dễ dẫn đến biến chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm