Bị chẩn đoán loãng xương oan

TS-BS Nguyễn Thị Thanh Hương - trưởng nhóm nghiên cứu về xương, nội tiết và sinh dục sinh sản Viện Nghiên cứu y học Đinh Tiên Hoàng, đồng thời là phó trưởng bộ môn Sinh lý học ĐH Y Hà Nội, cho biết do giá trị tham chiếu về loãng xương cài trong các máy đo mật độ xương không phải của người Việt nên dẫn đến tình trạng nhiều người bị chẩn đoán loãng xương oan.

Người Việt loãng xương cao hơn nhiều nước châu Á

. Phóng viên: Bà có thể cho biết tình trạng loãng xương của người Việt Nam ở mức độ nào?

+ TS-BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Muốn chẩn đoán chính xác tình trạng loãng xương của người Việt Nam  trước hết phải xây dựng giá trị tham chiếu về loãng xương cho người Việt Nam, cả phụ nữ và nam giới. Từ năm 2003 chúng tôi đã bắt tay vào công việc này. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 23% phụ nữ bị loãng xương ở cổ xương đùi; 49,5% ở cột sống thắt lưng. Còn ở nam giới kết quả nghiên cứu cho thấy có 8% nam giới miền Bắc bị loãng xương ở cổ xương đùi, còn miền Nam khoảng 10%. Tỉ lệ loãng xương ở cột sống thắt lưng từ 12% đến 14%.

. Độ tuổi nào thường gặp loãng xương nhất, thưa bà?

+ Chúng tôi tiến hành nghiên cứu với những người trong độ tuổi từ 13 đến 83 tuổi, nhận thấy những người bước vào độ tuổi 50 là bắt đầu xuất hiện tình trạng loãng xương. Tuổi càng cao thì tình trạng loãng xương càng nghiêm trọng.

. So sánh với các quốc gia khác thì mức độ loãng xương của người Việt Nam ở mức nào?

+ So với các quốc gia khác thì chúng tôi nhận thấy tỉ lệ loãng xương của phụ nữ Việt Nam cao tương tự như người da trắng ở Úc (20%) và người da trắng ở Mỹ (21%); chỉ thấp hơn phụ nữ ở Thái Lan (29,5%), Hong Kong (49,6%); cao hơn nhiều nước trong khu vực châu Á (Indonesia 15%, Nhật 17%, Hàn Quốc 12,4%, Trung Quốc 10,1%). Chính vì vậy tình trạng loãng xương ở Việt Nam cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Hầu hết máy đo mật độ xương sử dụng giá trị tham chiếu nước ngoài dẫn đến khoảng 16% người Việt bị chẩn đoán loãng xương oan. Ảnh: TL

16% bị chẩn đoán loãng xương oan

. Trong nghiên cứu của bà là nhiều người bị chẩn đoán loãng xương oan. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Chẩn đoán oan ở đây đôi khi do khách quan. Đến nay tất cả máy dùng để đo mật độ xương cho bệnh nhân từ bệnh viện (BV) trung ương, BV tỉnh và cả những BV tư nhân tự trang bị vẫn sử dụng giá trị tham chiếu của người nước ngoài (tùy từng máy cài giá trị tham chiếu của người da trắng, châu Á, Hàn Quốc hay Nhật - PV) mà chưa có giá trị tham chiếu của người Việt. Nghiên cứu 4.500 nam giới đo mật độ xương ở cổ xương đùi. Nếu lấy giá trị tham chiếu của người da trắng sẽ có 23% bị chẩn đoán bị loãng xương. Nhưng nếu giá trị tham chiếu của Hàn Quốc, Nhật thì chỉ có 10% chẩn đoán loãng xương. Cùng mẫu đấy lấy với giá trị tham chiếu của người Việt Nam thì chỉ khoảng 7% bị loãng xương. Tức là cùng trên một mẫu đo, chỉ áp dụng giá trị tham chiếu khác nhau đã đưa ra chẩn đoán loãng xương khác nhau. Nếu tính giữa chỉ số tham chiếu của người châu Á và người Việt sẽ có 16% bị chẩn đoán oan trong khi lẽ ra họ chỉ bị mức giảm mật độ xương.

. Bị chẩn đoán oan như vậy, họ sử dụng thuốc điều trị liệu rằng có ảnh hưởng đến sức khỏe?

+ Nếu bị chẩn đoán giảm mật độ xương thì thông thường bác sĩ cho đơn thuốc trong đó có bổ sung canxi, thay đổi lối sống, hạn chế uống rượu, hạn chế hút thuốc, thay đổi chế độ ăn và luyện tập. Với đơn thuốc đấy bệnh nhân không phải trả quá nhiều tiền. Nhưng nếu bị chẩn đoán là loãng xương thì tùy theo từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc điều trị đặc hiệu. Các thuốc điều trị đặc hiệu trên xương thường đắt tiền hơn và cái đáng ngại là những người bị chẩn đoán oan này phải chịu các tác dụng phụ do thuốc gây ra một cách không cần thiết.

. Có cách nào để giảm chẩn đoán oan cho bệnh nhân không?

+ Ít nhất dùng giá trị tham chiếu của người Nhật hay Hàn Quốc cũng giảm được oan khoảng 13%. Chúng tôi cùng với PGS Vũ Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội, đang làm việc với hãng cung cấp máy để áp dụng giá trị tham chiếu của người Việt vào các máy đo mật độ xương. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn chưa thể thực hiện được ngay nhưng có thể khắc phục bằng cách tự tính lại bằng tay.

. Xin cám ơn bà .

Khẩu phần ăn mới đáp ứng 50% canxi

Một phần rất quan trọng dẫn đến loãng xương là chế độ dinh dưỡng thiếu canxi. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy khẩu phần canxi người Việt chỉ 300-500 mg/ngày. Trong khi đó nhu cầu canxi của người trưởng thành khoảng 1.000 mg canxi/ngày. Như vậy, khẩu phần ăn mới đáp ứng được 50% nhu cầu canxi cho cơ thể. Một điểm nữa là mặc dù Việt Nam nằm trong vùng có ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm nhưng người Việt lại thiếu vitamin D. Cho dù mình ăn đủ canxi nhưng nếu không có vitamin D thì canxi ăn vào cũng không hấp thu vào máu được. Nghiên cứu của chúng tôi năm 2012 cho thấy 30% nữ giới từ 13 đến 83 tuổi và 16% nam giới thiếu vitamin D. Một nghiên cứu nữa chúng tôi mới công bố năm 2014 cũng chỉ ra một điều rất thú vị. Trước đây mọi người nghĩ phụ nữ mãn kinh bị loãng xương là do hormone estrogen tụt giảm nhưng chúng tôi thấy loãng xương còn liên quan đến cả testosterone.

TS-BS NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG, Phó Trưởng
bộ môn Sinh lý học ĐH Y Hà Nội

100g là lượng protein cần có trong khẩu phần ăn mỗi ngày để phòng loãng xương. Ăn lượng muối vừa phải, đủ canxi, tăng cường các thực phẩm có chất lượng khoáng tốt (tôm, cua, ốc…). Phải tắm nắng đủ 15-20 phút/ngày. Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc. Tập từ 30 đến 60 phút/ngày bài tập chịu lực, tăng sức nặng lên cột sống và cổ xương đùi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm