Bị bệnh gout nên ứng phó thế nào?

Hiện nay, đời sống vật chất ngày càng cao, việc ăn uống thiếu cân đối, lạm dụng bia, rượu xuất hiện ngày càng nhiều người mắc bệnh gout. Không chỉ người béo phì mà ngay cả những người gầy cũng có thể mắc căn bệnh này.

Triệu chứng điển hình của bệnh là nổi cục hoặc viêm ở các khớp, gây đau đớn cho người bệnh. Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần. Bệnh gout thường gặp ở nam giới, tuổi trung niên (40-60 tuổi). Đây là bệnh rối loạn chuyển hoá nên có thể kiểm soát được bệnh nếu bạn được điều trị theo phác đồ và thực hiện chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn.

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hoa, Phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh gout thường có 2 giai đoạn: Gout cấp tính và mạn tính. Gout cấp tính thường xuất hiện viêm khớp đột ngột (80% viêm khớp bàn ngón một bàn chân và một số vị trí khớp khác: Khớp bàn cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu tay…), thường xảy ra vào ban đêm với các triệu chứng: Sưng, nóng, đỏ, đau, khớp bị tổn thương. Bệnh diễn biến trong vài ngày, có thể tự hạn chế trong 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bị bệnh gout nên ứng phó thế nào? ảnh 1
Nếu bị cơn gout cấp tính tái phát nhiều lần, bệnh sẽ chuyển sang mạn tính với biểu hiện viêm nhiều khớp, có thể xuất hiện các hạt tophy (Sự lắng đọng của tinh thể Urat ở vùng phần mềm cạnh khớp, vành tai…) kèm theo bệnh nhân có thể có các biểu hiện sỏi thận, suy thận… 

Dấu hiệu cảnh báo bệnh gout:

- Ăn không ngon, khó ngủ, toàn thân mệt mỏi rã rời.
- Thường hay bị đau đầu, choáng váng, cảm giác buồn nôn và nôn.
- Bệnh nặng sẽ xuất hiện những cục u xung quanh khớp có nguy cơ gây ra biến dạng khớp, cứng khớp, cơ bị teo và dẫn đến tàn phế vô cùng nguy hiểm.
- Bệnh gout thường gây đau và viêm tấy ở khớp xương, đặc biệt là khớp ngón cái, khớp gối và đau nhiều nhất về ban đêm. Đau kèm theo rát bỏng vô cùng khó chịu. Lý do đau khớp là vì khi acid uric vượt quá 8 mg/dl trong máu mà khả năng bài xuất theo nước tiểu lại giảm đi thì tinh thể urát lắng đọng lại trong khớp xương. Đau điển hình kéo dài 5-10 ngày rồi hết. Đau giảm dần trong 1- 2 tuần, khớp gần như trở lại bình thường, không đau, không để lại di chứng gì tại khớp. 

Cách điều trị bệnh gout:

Theo các chuyên gia y tế, chế độ ăn uống cần chú ý tránh các thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật như lòng, tiết canh, gan lách; các thịt đỏ giàu nhân purin như thịt chó, thịt bò, bê, thịt dê; hải sản như tôm, cua, cá béo; đậu hạt các loại. Lượng thịt ăn vào trong ngày không quá 150g. Tránh các thức uống có cồn như rượu, bia. Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả. Đảm bảo lượng nước trong ngày, đặc biệt tốt nếu bệnh nhân uống các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm.

Thuốc điều trị gout hiện nay cơ bản vẫn là colchicin hoặc các thuốc chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam, celecoxib...dùng trong các đợt cấp của bệnh. Các thuốc trên cũng được dùng để dự phòng cơn gút cấp trong những trường hợp cơn gút cấp hay tái phát theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa Khớp. Các thuốc nhóm gây hạ acid uric máu như allopurinol, probenecid, febuxostat...được chỉ định trong mọi trường hợp gút, song không nên dùng khi đang có cơn cấp mà nên chờ sau khoảng 1 tuần khi triệu chứng viêm đã giảm. Cần theo dõi nồng độ acid uric máu để chỉnh liều. Nhóm corticoid (pednisolon, dexamethason...) và salicylat là các thuốc chống chỉ định trong điều trị gút. Corticoid chỉ được dùng hãn hữu và phải có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Tuy nhiên hiện nay xảy ra tình trạng không ít bệnh nhân tự dùng corticoid để điều trị bệnh. Không những không điều trị khỏi bệnh mà người sử dụng còn phải chịu rất nhiều tác dụng phụ nặng nề do corticoid gây nên (tăng huyết áp, tiểu đường, nhiễm khuẩn...) hoặc bệnh sẽ nhanh chóng chuyển sang mạn tính, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động và sinh hoạt của bệnh nhân.

Cách phòng bệnh gout:

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Hoa, ngoài việc điều chỉnh bằng chế độ ăn cần tránh béo phì, tránh dùng các thuốc làm tăng acid uric máu như lợi tiểu hypothyazid, lasix; thuốc corticoid; aspirin, ethambutol, một số thuốc điều trị ung thư.

Tóm lại, người mắc bệnh gút cần được thầy thuốc chuyên khoa tư vấn, theo dõi, đặc biệt ở giai đoạn sớm để ngăn bệnh tiến triển thành mạn tính, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. 

Uống nhiều nước là một trong những biện pháp để phòng bệnh gout vì nó làm tăng đào thải axit uric qua đường niệu.

Uống chè và nước đỗ đen thay cho nước lọc không phải là biện pháp tốt. Bởi vì trong nước chè và nước đỗ đen có những thành phần làm tăng axit uric máu. Bạn nên uống nhiều nước lọc hoặc nước khoáng có tính kiềm thì sẽ góp phần làm kiềm hoá máu và nước tiểu. Như vậy, sẽ có lợi trong việc phòng và điều trị bệnh gout./.

Theo Thu Thủy/VOV.VN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm