'Bệnh viện không phải nơi trị sổ mũi và nhức đầu'

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết quá tải BV sẽ ảnh hưởng chất lượng điều trị. Do đó, muốn hạn chế quá tải BV phải giảm cung cấp dịch vụ y tế tại BV. Muốn vậy phải tổ chức cung cấp dịch vụ y tế ở cộng đồng. Đây chính là vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mạng lưới BS gia đình.

BS của phòng khám BS gia đình BV quận 2 (TP.HCM) đang theo dõi sức khỏe người bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết nếu Việt Nam đầu tư mô hình BS gia đình đúng mức sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, giúp người dân chủ động trong phòng bệnh.

Theo ông Xuân, phòng khám có BS gia đình sẽ sàng lọc và giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, giảm những ca chuyển lên tuyến, góp phần giảm tải BV.

“Bên cạnh đó, mô hình BS gia đình cũng sẽ giảm bớt thời gian và gánh nặng cho các BS chuyên khoa. Đồng thời tiết kiệm được chi phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế” - ông Xuân nói.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện 20/23 BV quận, huyện TP.HCM đã thành lập phòng khám BS gia đình. “Bên cạnh đó, 191/319 trạm y tế phường, xã cũng đã thành lập phòng khám BS gia đình. Ngoài ra, sáu phòng khám BS gia đình tư nhân và bảy phòng khám BS gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân cũng được thành lập” - ông Bỉnh cho biết thêm.

“Sau hai năm triển khai mô hình thí điểm BS gia đình tại TP.HCM, các phòng khám BS gia đình đã khám và điều trị hơn 652.200 bệnh nhân, cấp cứu trên 920 trường hợp… Số liệu trên tuy còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện sự nỗ lực của các phòng khám BS gia đình trong giai đoạn đầu thí điểm” - ông Bỉnh nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm