Bệnh tim có nguồn từ… não!

Cuộc sống càng được tiếng văn minh dường như càng thêm điều nghịch lý. Không thiếu người tuy chưa có dấu hiệu đau yếu rõ rệt nhưng bỗng biến sắc thất thần khi rời phòng khám sau lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chắc bệnh phải nặng lắm? Còn phải hỏi! Hở van hai lá đến 1/4 chưa đủ nghiêm trọng hay sao! Mặc dù người bệnh khi kể lại chẩn đoán vẫn chưa hề biết van hai, ba lá gì đó nằm đâu, có công dụng gì. Lạ hơn nữa là bệnh nhân, nói đúng giọng của nhiều bệnh viện hiện nay: “Khách hàng” hoàn toàn khỏe mạnh! Nói cách khác, nếu không tuân thủ quy định khám sức khỏe hằng năm thì chưa biết van tim của mình đang… hở. Có một điều chắc chắn, sau khi nhận kết quả chẩn đoán thì 10 người hết chín bỗng muốn ngã bệnh. Ai giữ bình tĩnh cho nổi khi biết đâu đó trong lồng ngực của mình đang có một… khe hở.

Máy siêu âm càng xịn, càng chẩn bệnh... sai

Thầy thuốc ngày xưa khó có thể chẩn đoán chính xác nếu van hai lá bị hở chút xíu vì phải đợi đến khi bệnh khá nặng mới nghe được tiếng tim bệnh lý. Chính vì vậy mà chẩn đoán vào thời trước tuy có thể trễ nhưng ít khi gặp cảnh tréo cẳng ngỗng với bệnh trên màn hình trong khi người bị cho là bệnh vẫn… khỏe. Nhà điều trị bây giờ nhàn hơn nhiều vì đã có máy siêu âm màu ba chiều đo chính xác từng ly, từng chút lượng máu dội ngược khi van không đóng kín. Do đó hết đường chối cãi, máy bảo bệnh thì phải… bệnh. Éo le chính là ở điểm liệu van hai lá trong điều kiện sinh lý bình thường có bó buộc phải đóng kín khít rịt như cánh cửa đập nước trên bờ đê hay hở hở chút chút mới là cuộc sống? Liệu dấu hiệu xuất hiện trên màn hình là bệnh lý hay vẫn còn bình thường? Cũng may là gần đây đã có nhiều thầy thuốc đồng ý với quan điểm hở van hai lá 1/4 trên màn hình máy siêu âm chưa có ý nghĩa bệnh lý nếu không đi kèm một số triệu chứng khác điển hình của bệnh hở van hai lá. Chỉ tội cho số bệnh nhân chưa được giải thích tường tận vì nhiều thầy thuốc hoặc vì quá tất bật hoặc ngại mích lòng nên chọn thái độ im lặng là vàng.

Tim hở van còn do ảnh hưởng của một số tác chất phát sinh từ tâm sinh lý bất thường như đau khổ, giận dữ.

Chưa hết, đời có bao giờ hết cảnh éo le. Trong khi có đối tượng còn khỏe bỗng bệnh vì máy phát hiện chiếc van nào đó xì lỗ mọt thì cũng không thiếu gì người mệt muốn đứt hơi mà thầy thuốc siêu tới âm lui mấy lần vẫn không tìm ra bệnh. Đó là số người đang đau khổ vì hồi hộp, hụt hơi, ngộp thở mà kết quả siêu âm, điện tim… lại là “hoàn toàn bình thường” hay “chưa phát hiện dấu hiệu bệnh lý”, chẳng qua vì bệnh nhân, đa số là phụ nữ, thuộc nhóm bệnh tim do nguyên nhân thần kinh-nội tiết (endogenous cardiac neurosis). Máy siêu âm cho dù có thêm cả chục màu cũng tìm không ra khe hở hay chỗ nghẹt trên tim khi người bệnh mệt từng cơn bất chợt do dòng máu bỗng có lúc trở nên đậm đặc dưới ảnh hưởng cường điệu của một số tác chất như:

- C-reactive protein ở người trong cảnh thất tình.

- Adrenalin trên người trầm uất.

- Serotonin ở đối tượng phải thường xuyên lo sợ.

- ICAM-1 trên người có cuộc sống quá căng thẳng.

- Và nội tiết tố tuyến giáp Thyroxin ở người hay căm giận đủ điều.

Tình trạng này rất rõ nét ở đối tượng:

- Đau khổ lâu ngày vì tình duyên trục trặc.

- Trầm uất do hậu quả của bệnh nội tiết mạn tính như bệnh tiểu đường, nhược tuyến giáp.

- Thường xuyên lo sợ vì gặp trục trặc về pháp lý, tài chính, bệnh hoạn…

- Chấn động tâm lý sau tang sự, chấn thương.

- Và nhất là căm giận kéo dài trong nghề nghiệp vì ám tiễn sau lưng nhưng không có cơ hội nói hết cho hả giận.

Chú ý xét nghiệm sinh hóa và tâm tình của người bệnh

Ngặt nghèo cho bệnh nhân là bệnh khó chẩn đoán lúc ban đầu nếu thầy thuốc vì quá “mặn” máy siêu âm nên quên vai trò của phòng xét nghiệm sinh hóa, hay tệ hơn nữa là quên cả tâm tình của người bệnh. Nhưng tình trạng lúc đầu chỉ là rối loạn chức năng, nếu không được điều trị kịp thời lại dễ phát triển thành bệnh thực thể như cao huyết áp, suy tim và thậm chí nhồi máu cơ tim do thuyên tắc mạch vành.

Thầy thuốc tất nhiên có quyền kết luận có bệnh hay không bằng cách căn cứ hoàn toàn vào kết quả xét nghiệm, nội soi, chụp ảnh đủ kiểu… Khó tìm được lý do để phản đối khi máy móc bây giờ càng lúc càng tốt. Nhưng nếu chỉ như thế rồi cho là khéo thì đúng là “rằng hay thì thật là hay” nhưng “nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào”!

Nếu tưởng hễ bệnh tim phải có sứt mẻ sao đó ở van tim thì… lầm! Đừng quên vai trò chỉ đạo của bộ não! Chiếc van hai lá trong lòng trái tim biết đâu có điểm tương đồng về cơ chế vận hành với bộ váy mini, tuy có hở nhưng miễn còn đủ kín nào hại gì ai! Hơn nữa, chính nhờ chỗ lững lờ, nửa kín nửa hở mà cuộc đời mới đậm đà hương sắc, mới có qua có lại cho toại lòng nhau. Bằng chứng là nếu van hai lá không hở phần tư, phần tám sao đó thì còn đâu lý do để bệnh nhân… tái khám?

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm