Bệnh quai bị: Không cẩn thận là teo tinh hoàn

Chiều 14-2, TS. BS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa truyền nhiễm, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết các bệnh nhân không nên chủ quan với bệnh quai bị. Bởi bệnh này nguy hiểm trên nhiều khía cạnh.

Bệnh nhân B.Q.T, 23 tuổi, sinh viên trường ĐH GTVT bị bệnh từ ngày 10-2. Trước đó, do tiếp xúc với một người bạn bị quai bị, vài ngày sau T. bị sưng hai tuyến mang tai và sốt cao. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục bị sưng, đau tinh hoàn bên trái và vào viện cấp cứu. Đến nay bệnh nhân vẫn còn sưng hai tuyến mang tai và sốt nhẹ. Tinh hoàn vẫn sưng nóng đỏ, đau - biến chứng hay gặp của quai bị.

Theo BS Cường, triệu chứng quai bị do virus gây ra qua hô hấp và hay gặp ở mùa đông xuân. 5-7 năm trở lại đây, dịch này tái phát khá nhiều và lẻ tẻ mà không được cảnh báo. Khi dịch xảy ra sẽ kéo dài và khó dập tắt.

Khi bị bệnh, bệnh nhân bị sưng tuyến nước bọt, tụy, tinh hoàn. Triệu chứng ban đầu là sưng tuyến mang tai kèm sốt cao. Biểu hiện khác là sưng tuyến dưới lưỡi, dưới hàm và biểu hiện biến chứng như gây viêm tuỵ cấp. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh một tuần vẫn có virus trong người.

BS Cường đang thăm khám một bệnh nhân mắc quai bị.

BS Cường đang thăm khám một bệnh nhân mắc quai bị. Ảnh: H.G

Nếu trẻ em mắc trước khi dậy thì chỉ bị viêm mang tai. Nhưng sau tuổi dậy thì sẽ bị viêm tinh hoàn. Trong trường hợp này, có đến 70% bị viêm một bên và kích thước tinh hoàn to gấp 2-3 lần bình thường. Nếu sưng tinh hoàn hai bên khả năng vô sinh rất cao, do vậy cần theo dõi lâu dài. Đối với nữ giới, nếu mắc quai bị sẽ gây viêm buồng trứng, đau hố chậu, rong kinh… Biến chứng nữa sẽ gây viêm não và màng não.

BS Cường cho biết, ông đã từng gặp bệnh nhân bị viêm màng não, gây ra tình trạng hôn mê và sau đó tử vong. Nhưng đây là ca rất hiếm.

Để phòng tránh, BS Cường khuyến cáo: Cần tránh lây qua hô hấp như đeo khẩu trang nhằm hạn chế tiếp xúc. Nếu mắc quai bị, không có thuốc đặc hiệu. Chỉ có thể tiêm vaccine để phòng bệnh, bởi vaccine quai bị có kháng thể tương đối bền vững.

Khi người bệnh bị quai bị gây sưng, sốt, đau, người thân nên chăm sóc tại nhà, cho người bệnh ăn nhẹ, uống nhiều sinh tố, vitamin, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nếu bị sưng tinh hoàn, cần hạn chế vận động, nên nằm tại chỗ. Người bệnh nên nghỉ ngơi, hạ sốt sau 3-5 ngày sẽ về tình trạng bình thường. Người trưởng thành nếu viêm tinh hoàn phải làm xét nghiệm tinh dịch xem tinh hoàn có teo đi không.

Theo BS Cường, dân gian dùng cao dán, đắp lá hạ sốt, giảm đau cho người mắc quai bị là chấp nhận được. Nếu bị quai bị sau 5-7 ngày mà sốt trở lại sẽ nguy hiểm vì có biến chứng quai bị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm