Bệnh nhân hết phải nghe giọng the thé gọi tên

Bệnh viện Bình Dân và BV quận 1 (TP.HCM) vừa đưa vào sử dụng hai công trình tiện ích phục vụ khiến bệnh nhân và người nhà vui cái bụng.

Bớt mỏi chân đứng chờ xét nghiệm

Gà chưa gáy canh tư, ông Thành (42 tuổi, ở tỉnh Long An) lật đật đón xe lên BV Bình Dân khám bệnh. Bước vô cổng BV, ông thở dài vì thấy bệnh nhân ra vô nườm nượp. “Đông quá, không biết khám khi nào mới xong đây. Chỉ sợ trễ quá về tới nhà trời tối thui” - ông Thành than thở.

Chờ một lát cũng tới lượt ông Thành vô phòng khám. Sau khi hỏi han nhiều câu, bác sĩ (BS) chẩn đoán ông Thành bị sỏi thận và niệu quản nên cho xét nghiệm máu và nước tiểu, kể cả chụp X-quang lẫn siêu âm.

Đưa ông Thành phiếu chỉ định xét nghiệm huyết học, BS Phạm Văn Viễn (Khoa khám bệnh) chỉ vào những dòng chữ dưới góc trái rồi giải thích: “Hiện có 10 người chờ chụp X-quang, thời gian đợi khoảng 30 phút; 15 người chờ xét nghiệm, thời gian đợi khoảng 1 tiếng; 30 người chờ siêu âm, thời gian đợi gần 1 tiếng rưỡi. Anh nên chụp X-quang trước, kế đến xét nghiệm rồi siêu âm để bớt thời gian đứng đợi”.

Nghe lời BS, ông Thành đóng tiền tất cả khoản xét nghiệm rồi tới phòng chụp X-quang. Quả thật ông Thành chỉ chờ 15 phút là tới lượt. Tiếp theo, ông Thành không mất quá nhiều thời gian để xét nghiệm và siêu âm. “Nếu không được BS hướng dẫn, có khi tôi siêu âm trước, chụp X-quang sau nên phải mất nhiều thời gian đợi chờ” - ông Thành chia sẻ.

Tương tự, chẩn đoán bà Mai (40 tuổi, ở tỉnh An Giang) bị sỏi thận nên BS chỉ định siêu âm và chụp X-quang. BS Viễn cũng giải thích hiện có 15 người chờ siêu âm, thời gian kéo dài khoảng 45 phút và 25 người chờ chụp X-quang, thời gian chờ hơn 1 tiếng. Từ gợi ý của BS Viễn, bà Mai siêu âm trước, chụp X-quang sau nên không phải đứng mỏi chân chờ lâu.

TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết trước đây sau khi có chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang… thì bệnh nhân tự đi. Do không biết bao nhiêu người đang chờ để được xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang ở các điểm nói trên nên bệnh nhân đã đến khu vực nhằm lúc đông người và buộc phải chờ lâu, tốn nhiều thời gian.

“Sau khi nghiên cứu, BV đã cho ra phần mềm “Hệ thống thông minh điều phối người bệnh ngoại trú”. Phần mềm này liên tục cập nhật lượt bệnh nhân chờ xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang… theo thời gian thực tại và được in rõ trong phiếu chỉ định thực hiện xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang... Căn cứ vào thông tin này, bệnh nhân biết được khu vực có số người chờ thấp nhất để chủ động thực hiện xét nghiệm hoặc siêu âm trước nên không phải chờ lâu” - TS-BS Hưng đúc kết.

Do biết được khu vực chụp X-quang ít người nên bệnh nhân chủ động đến thực hiện mà không phải chờ lâu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nghe giọng gọi tên “lọt lỗ tai”

Gần đây, bước vào Khoa khám bệnh BV quận 1, mọi người sẽ nghe giọng gọi tên thật êm tai: “Xin mời bệnh nhân TMH số 68 tới phòng số 5”.

Ngồi chờ tới lượt khám, bà Hương (56 tuổi, ở quận 1) nói: “Giọng ai gọi tên nghe dễ thương ghê. Chẳng bù trước đây giọng cứ the thé”.

Bà Hương kể: “Tôi bị tiểu đường khá lâu, điều trị tại BV quận 1 cũng tầm hai năm và cứ cách tháng phải tái khám. Trong lúc ngồi đợi gọi tên vào khám, tôi nghe nhiều giọng đọc khác nhau, Nam, Trung, Bắc đủ cả. Chưa hết, lúc thì giọng của nam, khi thì giọng của nữ. Do giọng mỗi người mỗi khác nên nghe chẳng xuôi tai”.

“Tôi cũng lớn tuổi rồi, lại mang bệnh nên đôi khi lãng tai. Do vậy, có lần tôi không nghe rõ tên gọi do giọng đọc khó nghe nên bỏ qua lượt khám. Chờ lâu sốt ruột, tôi hỏi cô điều dưỡng thì được biết tôi đã được gọi tên hai lần” - bà Hương kể tiếp.

Tương tự, ông Hoàng (50 tuổi, ở quận 3) cũng ưng cái bụng mỗi lần nghe giọng gọi tên. “Trước đây nhiều người gọi tên bệnh nhân bằng loa với giọng đọc và âm hưởng khác nhau nên nghe chói tai, lại không thân thiện. Đã vậy có người đọc không tròn chữ, tròn số nên khó nghe khiến bệnh nhân bỏ qua lượt khám. Chưa hết, có người còn bỏ hai chữ “bệnh nhân” mà chỉ đọc gọn lỏn: “Xin mời số 46 vào phòng số 2”. Bệnh nhân chứ đâu phải con số mà đọc vậy” - ông Hoàng nói.

“Giờ thì khác nhiều rồi, giọng gọi tên nghe êm tai và thân thiện lắm” - ông Hoàng nói thêm.

BS Lê Thanh Vân, Phó Giám đốc BV quận 1, cho biết trước đây BV sử dụng loa và nhân viên y tế gọi tên bệnh nhân bằng nhiều giọng trong tâm trạng vui buồn khác nhau nên gây sự khó chịu cho không ít người.

Theo BS Vân, để làm hài lòng bệnh nhân, BV đã xây dựng phần mềm có tên “Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh”. Những người viết phần mềm đã chọn một chị có giọng đọc chuẩn, dễ nghe và ghi âm nhiều câu định dạng sẵn như “xin mời bệnh nhân”, “số”, “tới phòng số”… 

“Những câu trên chuyển thành hàm lệnh rồi đưa vô thư viện giọng nói. Tên bệnh nhân, số thứ tự, khám phòng nào sẽ được nhân viên y tế đánh dấu rồi cũng đưa vô thư viện giọng nói. Lập tức các câu sẽ được ráp lại và phát ra bằng chính giọng của chị đã được thu âm trước đó” - BS Vân cho biết thêm.

Hai công trình “Y tế thông minh” được bình chọn

Theo Sở Y tế TP.HCM, phần mềm “Hệ thống thông minh điều phối người bệnh ngoại trú” của BV Bình Dân và “Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh” là 2/37 công trình được chọn vào vòng hai trong đợt bình chọn giải thưởng “Y tế thông minh” của ngành y tế TP.HCM năm 2019 vì góp phần làm hài lòng bệnh nhân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm