Bệnh nhân cấp cứu bị “cắt” quyền lợi

Nhiều bệnh nhân bị đau bụng, sốt cao, ói mửa, chóng mặt… phải vào bệnh viện (BV) cấp cứu. Theo quy định, bệnh nhân cấp cứu được thanh toán 100% bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng BV thông báo những bệnh này không thuộc diện “nguy hiểm đến tính mạng” nên chỉ được hưởng 30% BHYT trái tuyến. Giải thích việc làm này, nhiều BV cho biết nếu cho bệnh nhân hưởng 100% BHYT thì thường bị cơ quan BHYT xuất toán (không thanh toán) nên buộc BV phải “siết” quyền lợi bệnh nhân nếu không muốn thâm quỹ!

“Bệnh gì mới nguy hiểm tính mạng?”

Bệnh nhân LC (quận 1) bị đau đầu, nôn ói, chóng mặt từ chiều tối. Đến tận 12 giờ khuya, thấy chị vật vã nên gia đình đưa đến BV Nhân dân 115 cấp cứu. Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ (BS) chẩn đoán chị chỉ bị choáng cấp tính và thông báo bệnh này không được hưởng BHYT 100% mà chỉ được thanh toán 30% theo quy định bệnh nhân trái tuyến (chị C. đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu BV khác), đồng thời phải ký vào giấy cam kết hưởng 30%. Người nhà chị C. thắc mắc: “Cấp cứu thì được hưởng 100% BHYT, BV chỉ cho 30% là sao?”. BS trực trả lời “bệnh nguy hiểm đến tính mạng” thì mới được BHYT thanh toán 100%. Người nhà chị C. hỏi tiếp: “Bệnh gì mới gọi là nguy hiểm đến tính mạng?”. BS trực không trả lời được mà chỉ nói: “Chúng tôi chỉ thực hiện theo quy định”!

Chẳng ai muốn nửa đêm đến BV cấp cứu để được cho mấy viên thuốc. Ảnh: TÙNG SƠN

Một trường hợp khác là bà LA (quận 3) bị sốt đã ba ngày, đã đi BV quận khám, uống thuốc nhưng không khỏi. Thấy bà vẫn sốt cao, các con đưa vào BV Bệnh nhiệt đới cấp cứu. Tại phòng cấp cứu, BS trực hướng dẫn bà ra phòng khám như đi khám bệnh bình thường và chỉ được thanh toán 30% BHYT do trái tuyến dù kết quả chẩn đoán sau đó cho biết bà A. bị sốt siêu vi.

Đây là hai trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến các BV cấp cứu không được hưởng chế độ BHYT 100% với lý do bệnh không nguy hiểm đến tính mạng hoặc không thuộc diện phải cấp cứu tuyến trên.

Mỗi nơi làm một kiểu

Giải thích việc làm này, BS Nguyễn Thành Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân đến BV cấp cứu có hai dạng: Dạng thứ nhất là bệnh nhân cấp cứu mắc các loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng như chóng mặt, nôn ói, đau bụng...; dạng thứ hai là bệnh nhân đang bị nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời. Loại này BHYT chi trả 100% chế độ được hưởng, nhập viện điều trị bất cứ nơi đâu, không cần giấy chuyển của nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.

Tuy nhiên, tại BV Nhân dân Gia Định thì không hề có phân loại hai dạng bệnh nhân cấp cứu. Theo BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, quan điểm của BV là tiếp nhận tất cả bệnh nhân cấp cứu và đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết. BV không có quy định cấp cứu là phải đúng tuyến hay bệnh nào nguy hiểm - không nguy hiểm đến tính mạng. “Những bệnh thông thường như tiêu chảy, sốt cao, đau bụng… vào cấp cứu đêm khuya thì BV xem xét cho hưởng BHYT hết, bởi đêm khuya chẳng ai muốn đến BV, người ta đến là bất đắc dĩ. Biết đâu việc đau bụng cấp ban đầu nhẹ nhưng là khởi đầu của viêm ruột thừa hay một bệnh ngoại khoa khác. Tôi nghĩ bệnh nhân chạy xa xôi đến BV không chỉ vì mấy viên thuốc mà là vì tin tưởng BV sẽ giải tỏa lo lắng cho họ” - BS Anh Dũng nói.

Như thế nào là bệnh cấp cứu?

Trả lời câu hỏi một số BV không thanh toán 100% BHYT cho bệnh nhân cấp cứu vì sợ bị cơ quan BHYT xuất toán, BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, khẳng định cơ quan BHYT chỉ xuất toán những trường hợp qua giám định thấy không phải tình trạng cấp cứu mà BV lạm dụng đưa vào. “Thực tế thì BS BV là người quyết định cấp cứu hay không. Nếu là cấp cứu thì phải ghi chi tiết triệu chứng, thí dụ đau bụng thì có đau bụng nguy hiểm và không nguy hiểm. Còn không phải bệnh cấp cứu thì phải giải thích rõ ràng cho bệnh nhân chứ không thể bắt viết cam kết” - BS Thanh Huyền nói. Chúng tôi đặt vấn đề BS có quyền quyết bệnh nhưng sau đó BHYT không thanh toán thì sao? BS Thanh Huyền trả lời: “BS là người có quyền “cãi” với giám định viên đây là trường hợp cấp cứu. Khi hai bên thống nhất là bệnh cần cấp cứu thì BHYT thanh toán”.

Tuy nhiên, như thế nào là bệnh cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng, theo BS Thanh Huyền thì Bộ Y tế cũng cần có quy định rõ và cũng là để thông tin rộng rãi cho mọi bệnh nhân biết.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm