Bệnh nhân 48 tuổi bị đột quỵ: ‘1 tháng tôi nhậu hết 28 ngày’

“Mỗi tháng tôi nhậu 28 ngày, lần nhậu cả thùng, còn rất thích ăn mặn nữa”, anh Lê Hữu Phước (48 tuổi, sống ở quận 6) chia sẻ về mình trước khi bị đột quỵ ở buổi họp mặt cuối năm của Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM).

Trước khi đột quỵ, nói chuyện cà lăm

Mỗi ngày của anh Phước thường bắt đầu bằng việc ôm vô lăng lái xe chở hàng, tuy nhiên kể từ ngày bị bệnh, anh đành quanh quẩn ở nhà và đều đặn vào BV để tập phục hồi chức năng nửa người bên trái.

Anh Phước kể trước khi nhập viện vì bị tai biến một tuần, anh hay nói chuyện cà lăm, chảy nước miếng nhưng không để ý. Trước đó nữa, khi đi giao hàng anh thường cảm thấy nhức đầu nên vào một phòng khám thăm khám. Anh được phát hiện bị tiền đái tháo đường, máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ.

“Vào ngày 12-11-2020, khi dậy lúc hơn 3 giờ sáng tập thể dục thì tôi cảm thấy tay trái tê, khó chịu. Do lúc này còn sớm nên tôi vào nhà nằm ngủ tiếp, đến hơn 6 giờ thì anh tôi thấy khó chịu hơn, ngồi dậy thì tự ngã nên vào BV Nhân dân 115 cấp cứu”, anh Phước kể lại.

Các bác sĩ đã chụp CT cho anh và thấy anh bị vỡ, đứt 3 mạch máu não.

Anh Lê Văn Phước đang tập vận động, bàn tay trái của anh giờ đã nhúc nhích được chút đỉnh sau khi bị đột quỵ. Ảnh: HL

Ngày đầu dù còn đi được bình thường nhưng sang ngày hôm sau tay trái và chân trái của anh không cử động được nữa. Sau khi điều trị 6 ngày tại BV, anh được bác sĩ khuyên về nhà tập vật lý trị liệu.

Anh xòe bàn tay ra và xoay xoay khoe: “Tôi tập cho đến nay được 20 ngày rồi. Giờ tay và chân trái có nhúc nhích chút đỉnh được rồi. Ngón tay dù nắm lại được nhưng vẫn còn hơi yếu”.

Anh Phước chia sẻ nếu thời gian quay trở lại, anh sẽ sống điều độ, quý trọng sức khỏe của bản thân hơn. “Từ ngày bị đột quỵ, đang đi đứng bình thường giờ không làm việc được nữa nên thường ngồi buồn, tủi thân lắm...”, anh Phước trầm ngâm nói.

Đột quỵ không ngẫu nhiên

Đi đứng nhanh nhẹn, góp vui những bài nhạc xuân lưu loát, không ai nghĩ ông Nguyễn Hoàng Điệp (62 tuổi, sống ở TP.HCM) cũng là một bệnh nhân bị đột quỵ.

Ông Điệp kể cách đây 2 năm, khi đang lái xe máy thì ông bị ngất xỉu. May nhờ có vợ đi cùng nên ông được đưa vào BV kịp thời. Tỉnh dậy, tay chân trái của ông cứng đơ. “Thời gian đầu, mỗi khi đi, tôi phải có người dìu. Đến nỗi cầm cái ly cũng không được, cứ cầm là nó rớt xuống”, ông Điệp kể lại.

Từ người khỏe mạnh, khi bị bệnh, không làm được những việc đơn giản, ông Điệp cảm thấy suy sụp tinh thần rất nhiều.

“Khi vào BV tập vật lý trị liệu, tôi mới thấy đột quỵ không theo lứa tuổi. Rất nhiều người cũng bị đột quỵ phải tập vận động để quay về cuộc sống bình thường. Các y bác sĩ cũng động viên ráng tập đi, rồi sẽ có tiến triển nên tôi cũng cố gắng tập”, ông Điệp kể.

Ông Nguyễn Hoàng Điệp sức khỏe sa sút sau khi bị đột quỵ. Ảnh: HL

Theo ông Điệp, không phải ngẫu nhiên bị căn bệnh đột quỵ tấn công mà trước khi bị bệnh, ông đã có tiền sử cao huyết áp. “Tôi được bác sĩ kê thuốc cao huyết áp và dặn phải uống thường xuyên nhưng một tháng trước khi bị đột quỵ, tôi thấy mình rất khỏe nên bỏ thuốc không uống nữa”, ông Điệp kể.

Khi kịp hối hận thì mọi chuyện cũng đã muộn màng, ông Điệp thường dặn dò người thân, bạn bè quý trọng sức khỏe, không nên bỏ thuốc nếu có mắc các bệnh cao huyết áp như ông.

Chị Vũ Vân Thanh, Điều dưỡng trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng BV Chợ Rẫy, chia sẻ mỗi ngày Khoa điều trị ngoại trú cho 50-60 trường hợp. Theo thông lệ, vào mỗi cuối năm, Khoa thường tổ chức tổng kết hoạt động Khoa với sự tham dự của các bệnh nhân ngoại trú.

Các bệnh nhân ngoại trú đa phần phải tập phục hồi chức năng lâu dài nên hầu như đều gắn kết, thân thiết với nhau và với nhân viên y tế tại khoa.

Buổi họp mặt cuối năm của các bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: HL

Theo chị Thanh, Khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, đa phần trên 40 tuổi. “Có những bệnh nhân đang độ tuổi lao động, chưa đến tuổi nghỉ hưu chẳng may bị đột quỵ, gặp khó khăn đi lại làm việc, thậm chí không nói được, không giao tiếp được. Mục tiêu của Khoa là ngoài giúp họ điều trị phục hồi mà còn hỗ trợ về mặt tâm lý để giúp họ nhanh chóng quay trở về cuộc sống bình thường”, chị Thanh chia sẻ.

 

Uống rượu bia hằng ngày tăng nguy cơ đột quỵ hơn 38%

Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oxford ở Anh, Đại học Bắc Kinh và Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc cho rằng uống rượu mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.

Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 6-2004 đến tháng 7-2008 với 500.000 người Trung Quốc tham gia. Nhóm người tham gia thực hiện nghiên cứu này là những người sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên trong 10 năm được các bác sĩ và các nhà nghiên cứu liên tục theo dõi và thăm khám liên tục về tim mạch để đưa ra kết luận chính xác nhất.

Sau thời gian dài tìm hiểu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trung bình những người đàn ông uống bốn ly rượu hoặc bia mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 38% so với người bình thường.

Nguy cơ mắc bệnh đột quỵ tăng dần từ thấp đến cao, tùy theo số lượng thức uống có cồn được nạp vào cơ thể hằng ngày nhiều hay ít. Tác hại của việc uống nhiều rượu bia không chỉ dẫn đến bệnh đột quỵ mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh cao huyết áp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.