Bệnh lao trẻ em: Gánh nặng bị bỏ quên

Năm 2009, tức sau 52 năm kể từ khi Chương trình Quốc gia về phòng, chống lao ra đời thì chương trình chống lao quốc gia mới ban hành hướng dẫn quản lý, điều trị lao trẻ em. Nhưng đến năm 2012, hướng dẫn này mới được chuẩn hóa. Sự chậm trễ này cùng việc thiếu quan tâm đến phòng chống, điều trị lao ở trẻ em đã ảnh hưởng đến việc đánh giá thực trạng, gánh nặng và ảnh hưởng của căn bệnh này. BS Đỗ Châu Giang, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, đã nói như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-5.

Lây từ… người giúp việc dễ bị bỏ qua

. Phóng viên: Ông có thể lý giải vì sao sau nhiều năm thì Chương trình Quốc gia về phòng, chống lao mới quan tâm đến lao trẻ em?

+ BS Đỗ Châu Giang: Không chỉ riêng ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới hầu như bỏ quên điều này. Vì thời gian đầu, người ta muốn tập trung mọi nguồn lực để khống chế bệnh lao trong cộng đồng, do vậy họ tập trung vào nguồn lây là người lớn mắc lao phổi, có ho khàn mang vi trùng lao. Chiến lược này cực kỳ quan trọng cho những nước có nguồn lực hạn chế như Việt Nam.

. Thưa ông, nguyên nhân mắc lao ở trẻ là do đâu?

+ Lao trẻ em không tự nhiên mà có, nguyên nhân là do bị lây từ cha mẹ, ông bà, người thân và láng giềng… Nhưng có một dạng người không thân nhưng do xu hướng thời đại, đó là bị lây từ người giúp việc.

 
Trẻ mắc bệnh lao đang được điều trị tại khoa Nhi BV Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: TÙNG SƠN

Trẻ con hiếm khi lây truyền bệnh lao cho người khác, trừ khi bị lao phổi tạo hang hoặc có vi trùng lao trong đàm. Điều này nếu có chỉ xảy ra ở trẻ lớn (8-10 tuổi) và chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số lao trẻ em. Và vì hầu hết trẻ sẽ phát bệnh trong vòng một năm sau khi nhiễm lao nên tần số mắc mới của lao trẻ em giúp chúng ta đo lường chính xác về mức độ lây lao đang diễn ra trong cộng đồng… Do vậy việc cập nhật và báo cáo số liệu lao trẻ em đầy đủ sẽ cho phép chúng ta ước tính được gánh nặng thực sự của lao trẻ em trong cộng đồng và có biện pháp giám sát, theo dõi nó.

Không có phương tiện chẩn đoán riêng

. Thưa ông, việc chẩn đoán lao ở trẻ em có gì khác so với người lớn?

+ Hiện vẫn dùng phương pháp xét nghiệm của người lớn cho trẻ vì không có phương tiện chẩn đoán riêng. Nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm sẽ dẫn đến trường hợp chẩn đoán quá mức tức bệnh nhi bị viêm phổi thì nghĩ là lao và chẩn đoán chưa tới. Trường hợp thứ hai là trẻ bệnh lao rồi nhưng không phát hiện ra.

Muốn giải quyết chuyện này cần phát triển và ứng dụng các phương tiện chẩn đoán thân thiện như BV Phạm ngọc Thạch và chương trình quốc gia đã làm từ năm 2012.

Đây là phương tiện chẩn đoán sinh học phân tử, chỉ cần một ít bệnh phẩm (đờm, phân, nước tiểu, máu) của trẻ, trong vòng 90 phút sẽ cho ra kết quả trẻ có bệnh lao hoặc không bệnh và cho biết trẻ có kháng với thuốc chủ lực điều trị lao - Rifampicin hay không. Người thầy thuốc sẽ ra quyết định có điều trị lao hay không, nếu không trả lời nhanh trẻ mắc bệnh dễ diễn tiến suy hô hấp rất nhanh và dễ tử vong.

. Nếu phương tiện này tốt sao không triển khai xuống tuyến dưới nhằm tầm soát lao rộng rãi trong cộng đồng?

+ Phương tiện này đã triển khai một vài quận/huyện tại TP.HCM nhưng yêu cầu phải để máy lạnh 24/24 giờ. Nước ngoài họ hỗ trợ máy, sinh phẩm chẩn đoán, phí bảo dưỡng định kỳ… Họ bỏ tiền tập huấn, dạy cho nhân viên nhưng hai tháng sau xuống kiểm tra thì những người phụ trách máy nghỉ vì làm tăng trách nhiệm nhưng không có phụ cấp và máy trùm mền. Không chỉ nhân sự không duy trì được mà tiền điện vận hành máy tuyến dưới cũng “gồng” không nổi!

Chúng tôi rất muốn trẻ được đưa đến nơi gần nhà để chẩn đoán phát hiện nhưng hiện nay chưa được. Vì ngoài khoa Nhi BV Phạm Ngọc Thạch, chỉ có ở BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh nhiệt đới.

Không có thuốc thân thiện

. Nhưng trẻ em phải được uống thuốc khác người lớn chứ, thưa ông?

+ Hiện thuốc trị lao ở trẻ là của người lớn và liều uống  cao gấp đôi người lớn. Thử hỏi trẻ hai tuổi sao uống thuốc viên? Có viên thuốc nhỏ quá, bác sĩ dặn cho uống 1/4 làm sao chia? Phụ huynh phải cà ra, uống đắng quá trẻ nhả ra. Cho uống lại thì Nhà nước thiếu thuốc vì thuốc miễn phí. Cắt thuốc nhỏ có thể gây quá liều hoặc thiếu liều. Chính vì vậy về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc bỏ điều trị.

Nếu có thuốc sirô, chỉ cần nhỏ hai giọt là xong. Vấn đề này chương trình quốc gia biết rồi nhưng nhu cầu ít quá, hãng sản xuất dược phẩm đồng ý sản xuất nhưng giá cao, không có tiền mua!

. Xin cảm ơn ông.

DUY TÍNH thực hiện

 

Trẻ đứng cân, không vận động nên nghĩ mắc lao

Trẻ em có thể mắc nhiều loại lao: Lao phổi, lao ngoài phổi…, sợ nhất là lao màng não vì trẻ dễ bị biến chứng co giật, các triệu chứng thần kinh… khi nhập viện thì quá trễ để cứu.

Trẻ mắc lao có biểu hiện sốt, ho, đứng cân, giảm chơi, đổ mồ hôi trộm. Nhưng có hai dấu hiệu đáng lo nhất ở trẻ là đứng cân sau 15 ngày đến một tháng và giảm chơi, ngồi, nằm một chỗ, nếu gia đình có người bị lao rồi thì càng nghi ngờ đến 90% và phải đưa trẻ đi khám. Trẻ được điều trị lao đúng thì tử vong không nhiều, trong năm năm chỉ có 11 trường hợp. Nhưng có đến gần 700 trẻ sau khi được chẩn đoán lao, bệnh viện đã điều trị và chuyển về địa phương thì mất dấu không có báo cáo.

BS ĐỖ CHÂU GIANG

TP.HCM chiếm 1/2 tổng số ca mắc lao

Chiều 13-5, Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc họp với các bệnh viện trên địa bàn để hướng dẫn và triển khai khảo sát tình hình bệnh lao ở trẻ em. Mục đích là thu thập số liệu chính xác về tình hình bệnh lao trẻ em tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.

Theo BS Đặng Minh Sang, Phòng Chỉ đạo tuyến BV Phạm Ngọc Thạch, hiện bệnh lao ở trẻ em chiếm 7%-10% số bệnh nhân lao trên toàn quốc. Mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 600 ca trẻ bị bệnh lao thì riêng TP.HCM đã có đến 300 ca.

H.VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm