Bến Tre đã ngưng dùng thuốc gây tê từ sau sự cố chết người

Liên quan đến vụ hai sản phụ tử vong, một người nguy kịch khi sinh mổ tại BV Phụ Nữ Đà Nẵng nghi do thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy, ngày 22-11, ông  Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết trước đây Bến Tre từng sử dụng loại thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy do Pháp sản xuất không hề xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, khi hết hợp đồng cung ứng thuốc, giai đoạn 2018-2020  thông qua đấu thầu một đơn vị cung ứng thuốc đã trúng thầu cung ứng loại thuốc Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy do Ba Lan sản xuất.

Sở Y tế tỉnh Bến Tre.

Thời gian này các cơ sở y tế trong tỉnh đều sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy của Ba Lan do đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI là nhà cung ứng. Nhưng đến đầu năm 2019 sau khi sử dụng loại thuốc này có một ca bị sốc thuốc dẫn đến tử vong, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện, Sở Y tế đều kết luận do sốc thuốc gây tê trên. Sở Y tế Bến Tre cũng đã báo cáo ngay sự cố về Cục quản lý dược (Bộ Y tế).

Cũng trong thời gian này Hội đồng chuyên môn bệnh viện đề xuất Sở Y tế tỉnh không tiếp tục sử dụng loại thuốc gây tê của Ba Lan. Do đó, Sở Y tế phối hợp với bảo hiểm xã hội cùng công ty cung ứng thuốc thống nhất không tiếp tục sử dụng loại thuốc Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy do Ba Lan sản xuất nữa.

“Số lượng thuốc Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy của Ba Lan được thu hồi theo quy định và nhà cung cấp thuốc cũng đồng ý đổi loại thuốc cùng tên do Pháp sản xuất như từng sử dụng trước đây” - ông Tuấn cho biết.   

Cũng từ sự cố sốc thuốc gây tê nguy hiểm đến bệnh nhân, vào tháng 8-2019, Bộ Y tế có công văn khuyến cáo chung là gây tê vùng nên hạn chế đối với mổ bắt con đại trà và hạn chế sử dụng thuốc gây tê đối với sản phụ.

Ông Tuấn còn cho hay thời điểm này Sở Y tế tỉnh cũng có công văn triển khai tất cả đơn vị y tế trong toàn tỉnh ngưng ngay việc sử dụng loại thuốc gây tê do Ba Lan sản xuất. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai, nghiêm túc thực hiện các nội dung: Không áp dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong các trường hợp sản phụ có nhau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, nhau bong non, nhau cài răng lược, dọa vỡ tử cung, sản giật, suy thai cấp, mổ lấy thai cấp cứu, bệnh lý tim mạch…

Sở Y tế Bến Tre cũng yêu cầu các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, TP phải tuân thủ các quy trình, quy định chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt các quy trình dịch vụ chuyên môn trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre khẳng định, trước đây và kể từ khi chuyển sang sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy do Pháp sản xuất dù giá có đắt hơn của Ba Lan nhưng sử dụng hơn 10 năm nay đều an toàn, không xảy ra bất kỳ sự cố y khoa nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm