Bất thường cúm mùa sau Tết

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, cho biết trong bốn tuần gần đây tại khoa Hồi sức tích cực đã tiếp nhận 6-7 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nhập BV. Khoảng hai tuần qua, khoa tiếp nhận bốn trường hợp mắc cúm mùa biến chứng nguy hiểm, cả bốn ca đều phải áp dụng kỹ thuật hiện đại nhất để giành giật sự sống nhưng một ca đã tử vong.

Khó lường với cúm mùa

Ngoài ra, tại BV đa khoa tỉnh Ninh Bình, êkíp của khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cũng hỗ trợ kỹ thuật tim phổi nhân tạo cho một trường hợp nhiễm cúm mùa trầm trọng, sau đó mới có thể chuyển bệnh nhân ra Hà Nội; trong quá trình vận chuyển, nhiều lần người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch.

“Đáng lưu ý các trường hợp mắc cúm nhập BV đều có chung tình trạng tự điều trị ở nhà, chủ quan với bệnh nên dẫn đến trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 mà không hay biết. Đơn cử như một bệnh nhân nam (48 tuổi) đang điều trị tại BV Bạch Mai, khi gia đình bệnh nhân có vài người mắc cúm, nên khi mắc bệnh người này nghĩ chỉ mắc cúm thông thường. Do vậy, phải đến bốn ngày sau anh mới nhập BV điều trị. Lúc này anh đã có biến chứng suy đa phủ tạng, rơi vào nguy kịch. Hiện tại anh phải sử dụng rất nhiều máy móc hiện đại như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, máy lọc máu liên tục, thở máy mong giữ được tính mạng” - BS Cơ cho hay.

Cúm mùa không chỉ diễn biến phức tạp ở người lớn mà còn đe dọa cả sức khỏe của trẻ em. Theo thông tin từ BV Trẻ em Hải Phòng, nơi đây vừa tiếp nhận ba trường hợp nhiễm cúm A trong cùng một gia đình gồm một bé 16 tháng tuổi, một bé 29 tháng tuổi và một bé 13 tuổi, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Bước đầu ba bệnh nhi đều được xác định là dương tính với cúm A, khả năng là do chủng cúm mùa.

Còn ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày có 3-15 trẻ nhiễm cúm vào BV điều trị. Từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận có ba ca biến chứng viêm não sau mắc cúm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong.

Tại phòng bệnh nhi mắc cúm nặng, chị Nguyễn Thu Hậu (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang chăm sóc cho con trai mới bảy tháng tuổi bị cúm mùa chia sẻ con trai chị nằm BV điều trị đến nay đã là ngày thứ năm.

Một trường hợp khác là bệnh nhi NLC (hai tuổi), bị sốt cao liên tục ba ngày đầu. Bước sang ngày thứ tư, bệnh nhi hạ sốt nên gia đình nghĩ con đã đỡ bệnh. Tuy nhiên, bé N. lại ngủ rất nhiều, ngủ cả ngày không ăn uống. Ngay sau đó, bệnh nhi được đưa tới BV Nhi Trung ương và được chẩn đoán viêm não sau cúm. Nhờ được điều trị kịp thời hiện bệnh nhi đã tỉnh và ngồi dậy chơi được.

Bệnh nhi điều trị cúm tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: HẢI ÂU

Khó phân biệt, nên cẩn thận

Theo ThS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, thời tiết đông xuân như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để dịch cúm phát triển và lây lan nhanh. Triệu chứng của bệnh là sốt rất cao (39-40 độ C) kèm theo ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản.

Thông thường triệu chứng viêm não là sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm 2-3 ngày. Trẻ bắt đầu chậm chạp, ngủ nhiều, có trẻ buồn nôn, nôn khan, co giật, có trẻ lại có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật.

Biến chứng viêm não sau cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong. Qua đây các bác sĩ khuyến cáo hầu hết các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà, tuy nhiên phải theo dõi một số dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục không hạ, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, khó thở, không chịu chơi… phải đưa trẻ đến BV để tránh biến chứng.

Hiện các chủng cúm thông thường ở Việt Nam như H1N1, H3N2 đều có vaccine phòng ngừa nhưng tỉ lệ tiêm phòng cúm ở nước ta còn rất thấp, do vậy người dân nên tiêm vaccine để phòng tránh cúm.

PGS-TS ĐÀO XUÂN CƠ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm