Bắt buộc ghi rõ dung sai, thành phần trên nhãn sản phẩm

Cụ thể, đó là kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất trong nước về khoảng dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.Cụ thể, các doanh nghiệp đề xuất dung sai đối với các vitamin và khoáng chất là 30%; đối với các chất sinh năng lượng là 20%.
Lý do các doanh nghiệp đề xuất khoảng dung sai này là bởi không thể có trị số tuyệt đối (trên nhãn so với thực tế); trong suốt vòng đời chất lượng của sản phẩm không thể tránh khỏi sự biến đổi của các chất; có sự khác nhau giữa phương pháp thử và người phân tích…
Tuy nhiên, đề xuất này của các doanh nghiệp vấp phải ý kiến của hầu hết các đại biểu tham gia hội nghị. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), về nguyên tắc, dung sai càng nhỏ thì chất lượng sản phẩm càng cao. Nếu các doanh nghiệp đề xuất khoảng dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm lớn như vậy thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.
Ông Hùng viện dẫn: “Một sản phẩm chỉ đạt mức 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký thì đã được coi là hàng giả. Vậy một sản phẩm có dung sai cao tới 20% thì có được coi là sản phẩm có chất lượng?”.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, vấn đề ATTP đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, vì thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và dinh dưỡng của mỗi người và mỗi gia đình. Dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm thực phẩm là vô cùng quan trọng. Việc doanh nghiệp đề xuất khoảng dung sai 20% sẽ giúp các doanh nghiệp vừa đảm bảo ATTP, vừa kinh doanh thuận lợi và hòa hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời minh mạch với người tiêu dùng.
Cũng theo ông Phong, hiện nay các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm cũng như thực hiện việc ghi nhãn mác theo luật quy định. Do vậy, cơ quan quản lý phải tăng cường công tác hậu kiểm, để quản lý doanh nghiệp có ghi dung sai đúng với kết quả kiểm nghiệm không.
Theo đó, nếu doanh nghiệp nào vi phạm, không thực hiện đúng việc công bố chất lượng sản phẩm cũng như quy định ghi nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Ông Hùng kiến nghị: “Để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo quyền thông tin chính xác về hàng hóa, tôi đề nghị mức dung sai phải được ghi trên nhãn sản phẩm. Vì nhãn là kênh thông tin quan trọng cung cấp cho người tiêu dùng về sản phẩm đó. Mức công bố này phải dựa trên cơ sở khoa học, phải được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chứ không phải do doanh nghiệp tự nghĩ ra mà in trên nhãn”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm