Báo động bệnh giang mai tăng cao, trẻ hóa

Bệnh giang mai từ lâu được biết đến là căn bệnh lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Nếu phát hiện sớm, bệnh sẽ được chữa dứt điểm nhưng nếu để kéo dài không chữa trị có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng.

13 tuổi đã mắc bệnh

BS CKII Lê Quốc Trung, Trưởng khoa lâm sàng 3, BV Da liễu TP.HCM, cho biết trong những bệnh nhân mắc giang mai, người đồng giới nam chiếm tỉ lệ khá cao. Đặc biệt, có những bệnh nhân là bé gái tuổi mới 13, 14 đã nhiễm bệnh, khai thác bệnh sử đa phần là do quan hệ tình dục không an toàn.

Bệnh giang mai không có miễn dịch nên người mắc bệnh rồi vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần khi tiếp xúc nguồn bệnh. Đây có thể là một nguyên nhân khiến bệnh gia tăng. “BV Da liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị giang mai tái nhiễm liên tục. Bệnh nhân thường là các đối tượng có nhiều bạn tình, đặc biệt là đồng giới nam” - BS Trung nói.

Về nguyên nhân gia tăng bệnh gần đây, BS Trung cho rằng có nhiều yếu tố như mối quan hệ xã hội thay đổi, độ tuổi quan hệ tình dục sớm nhưng chưa được trang bị kiến thức về các bệnh lây qua đường tình dục, đồng giới nam tăng, các phương tiện giao lưu tìm bạn tình trên Internet phát triển...

Theo BS Trung, có một giai đoạn tỉ lệ mắc giang mai giảm hẳn, đó là kể từ khi Việt Nam phát hiện và tuyên truyền về bệnh HIV. “Nguyên do có thể là người dân sợ bị mắc HIV nên quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này, vô tình làm cho tỉ lệ mắc giang mai giảm theo. Nhưng những năm gần đây HIV đã có thuốc khống chế, người nhiễm HIV vẫn sống bình thường nên việc quan tâm phòng ngừa bằng các biện pháp như bao cao su bị lơ là khiến giang mai có cơ hội quay trở lại” - BS Trung lý giải.

Người có biểu hiện giang mai thăm khám tại BV Da liễu TP.HCM. Ảnh: BSCC

Dễ lây nhưng cũng dễ chữa khỏi

Cũng theo BS Trung, bệnh giang mai có ba con đường lây nhiễm chính là quan hệ tình dục, đường máu và lây từ mẹ sang con. Trong đó, lây qua quan hệ tình dục là phổ biến nhất.

Bệnh chia làm ba giai đoạn. Ở giai đoạn 1, người bệnh thấy xuất hiện những vết “săng giang mai” với các biểu hiện là vết trợt nông, hoặc vết lở hình tròn, hoặc bầu dục ở vị trí vi trùng xâm nhập. Sau đó có thể xuất hiện hạch nằm hai bên háng hay còn gọi là hạch bẹn.

Ở giai đoạn 2, khoảng sau ba tháng đầu mắc bệnh, vi trùng giang mai không còn nằm tại chỗ mà sẽ đi vào máu và phát tán khắp cơ thể, biểu hiện ra toàn thân. Lúc này người bệnh phát ban đỏ cả người ở ngực, thân, tay, mặt…, xuất hiện những vết đỏ tróc vảy, tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài các triệu chứng trên, vùng niêm mạc hậu môn, sinh dục của người bệnh còn có những vết sẩn gồ lên khỏi da, người bệnh có thể viêm họng ở hầu họng, xuất hiện các hạch ở cổ, nách, tóc rụng từng chỏm.

Ở giai đoạn 3, tức 2-3 năm sau, bệnh có thể gây các biến chứng thần kinh gây yếu liệt, biến chứng tim mạch như gây tổn thương động mạch chủ khiến việc chẩn đoán và điều trị khó khăn hơn. Theo BS Trung, bệnh giang mai có đặc điểm diễn biến nhiều năm. Bệnh có lúc xảy ra rầm rộ thành từng đợt với những tổn thương lâm sàng đặc biệt, có khi ngấm ngầm không có triệu chứng lâm sàng làm cho người bệnh nghĩ là bệnh đã khỏi mà chủ quan.

Do đó, BS Trung khuyến cáo người bị bệnh giang mai cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng thần kinh, tim mạch. Quan hệ tình dục sử dụng bao cao su là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng tiêm bắp một mũi kháng sinh penicilin là sẽ hết bệnh. Còn ở giai đoạn muộn hơn, có thể thời gian điều trị kéo dài hơn. Sau khi điều trị khống chế được bệnh, người bệnh cần kiểm tra và xét nghiệm huyết thanh tại bệnh viện chuyên khoa để xác định đã khỏi bệnh hẳn hay chưa.

Trẻ em mắc giang mai bẩm sinh tăng

Nhiều năm kinh nghiệm trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em, BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết cách đây ba năm BV Nhi đồng 1 không ghi nhận trẻ mắc giang mai bẩm sinh nhưng nay số trẻ mắc bệnh có xu hướng tăng. Nhiều phụ nữ mang thai không biết mình có bệnh nên không điều trị rồi truyền bệnh sang thai nhi, gây giang mai bẩm sinh.

Trẻ mắc giang mai bẩm sinh có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng thần kinh, xương khớp và mang vi khuẩn giang mai suốt đời. Trẻ có thể có biểu hiện bệnh muộn như tổn thương xương, chậm phát triển tâm thần vận động kín đáo nên không được phát hiện và là nguồn mang vi khuẩn nguy hiểm. “Hiện nay, với việc tuyên truyền uống thuốc khống chế được bệnh HIV, không cần dùng bao cao su sẽ khiến các bệnh lây qua đường tình dục khác bùng phát. Các đối tượng mại dâm dù có uống thuốc phòng, chống HIV nhưng cũng không thể bảo vệ bạn tình khỏi nguy cơ nhiễm các bệnh như lậu, giang mai…” - BS Khanh khuyến cáo. 

__________________________________

Tại BV Da liễu TP.HCM, hằng năm số ca mắc bệnh giang mai không ngừng tăng. Số liệu thống kê của bệnh viện cho thấy nếu như năm 2010 chỉ có 782 ca mắc giang mai thì đến năm 2018 số ca bệnh được ghi nhận lên đến 5.325, tăng gấp hơn sáu lần. Trong đó có hai trẻ mắc giang mai bẩm sinh do lây từ trong bụng mẹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm