Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chỉ rõ tác hại của rượu

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, rượu là thức uống quen thuộc trong các dịp gặp mặt, lễ, tết, thậm chí cả bữa cơm hằng ngày.

Tuy nhiên, sử dụng rượu quá nhiều có thể dẫn tới ngộ độc và gây hại sức khỏe. Do vậy, cần trang bị những hiểu biết về tác hại của rượu để chủ động tránh xa các rủi ro do thức uống này gây ra.

Rượu trắng có hai loại: Chưng cất và pha chế. Rượu trắng chưng cất là đồ uống có cồn được chưng cất từ dịch lên men có nguồn gốc tinh bột hoặc các loại đường. Rượu trắng pha chế là đồ uống có cồn được pha chế từ cồn thực phẩm, nước và phụ gia thực phẩm.

Các bác sĩ đang phẫu thuật chân gãy cho một ông bị tai nạn giao thông vì say rượu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy uống quá nhiều rượu sẽ tổn hại những cơ quan con người như hệ thần kinh, tim mạch, nội tiết, tiêu hóa…

Mức độ hấp thụ rượu vào cơ thể tùy thuộc từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống… Bên cạnh đó, tùy nồng độ rượu trong máu có thể gây ra những tác hại như mất phối hợp động tác và dễ bị kích thích, nói không rõ, ngất hoặc hôn mê, thậm chí tử vong.

Đáng lưu ý, rượu gây hại mạnh nhất trên gan và có thể dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng khiến gan không chuyển hóa được chất độc. Điều này làm độc tố tồn ứ trong cơ thể và gây độc. Tổn hại này tạo thành vòng lặp lại khiến cơ thể suy yếu nhanh chóng và rất dễ gây ra tình trạng xơ gan hoặc ung thư gan.

Rượu còn gây nhiều tác hại lên các bộ phận khác trên cơ thể. Điển hình là hệ thần kinh trung ương (viêm nhiều dây thần kinh, tổn thương tiểu não, thất điều, loạn vận ngôn); tim (dùng rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa); dạ dày (gây viêm loét dạ dày, tá tràng).

Rượu còn làm giảm khả năng chống chọi sự tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch. Do vậy người say rượu rất dễ bị cảm, trúng gió…

Càng uống nhiều rượu càng làm tăng nguy cơ ung thư miệng, lưỡi, yết hầu, thực quản. Rượu ức chế tổng hợp testosterone gây nữ hóa, giảm tình dục ở nam giới.

Uống nhiều rượu sẽ không làm chủ hành vi, dễ xảy ra bạo hành trong gia đình khiến nhiều người lo âu và trầm cảm. Uống nhiều rượu còn dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp, thời gian lao động giảm, mất việc. Sau khi uống rượu điều khiển xe dễ gây tai nạn giao thông, gây mất trật tự công cộng.

Lời khuyên hữu ích cho cộng đồng: Không uống quá nhiều rượu. Khi đã nghiện rượu thì nên cai. Trong trường hợp bắt buộc thì chỉ nên uống một ly bia hoặc một ly rượu nhỏ. Điều nên nhớ khi uống rượu thì nên dùng nhiều thức ăn giàu đạm và hạn chế uống nước để cơ thể giảm hấp thụ rượu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm