Bác sĩ trao đổi qua viber cấp cứu thần tốc bệnh nhân đột quỵ

Ngày 17-12, ngồi ở giường bệnh Khoa nội tổng quát BV Chợ Rẫy (TP.HCM), bà Trần Kim Chi (64 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) vui vẻ cười nói khi bác sĩ tới thăm.

Không ai ngờ bà Chi mới bước qua lằn ranh sinh tử khi chỉ cách đây một tuần. Vào chiều 11-12, bà nhập viện với tình trạng đột quỵ rất nặng, liệt hoàn toàn nửa người bên phải.

Bà Chi kể lại: “Hôm đó, tôi tính đi làm việc thì chóng mặt, xây xẩm mặt mày quá và tự nhiên liệt mất một bên người. Người nhà thấy vậy nên dìu tôi từ trên xe chở từ Hóc Môn lên đây. Đi trên xe và tới bệnh viện, tôi không còn biết gì nữa. Khi tỉnh lại nằm trên giường bệnh, đưa tay đưa chân lên được tôi mừng dữ lắm. Không biết làm sao mà bác sĩ can thiệp được hay dữ”.

Bà Chi vui vẻ kể lại quá trình bị đột quỵ cho đến khi được cứu sống. Ảnh: HL

Bà Chi là một trong số những bệnh nhân được các bác sĩ xử lý cấp cứu thần tốc và đem lại kết quả ngoạn mục sau khi khởi động quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ của BV Chợ Rẫy. 

Cụ thể, quy trình này được xây dựng hoàn chỉnh từ đầu năm 2019 với sự tham gia túc trực 24/24 giờ của các bác sĩ tiếp nhận bệnh tại Khoa cấp cứu và các bác sĩ chuyên Khoa chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh, can thiệp mạch.

Theo quy trình, người đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ cấp sẽ lập tức báo lên kênh liên lạc chủ yếu là viber để “báo động” các bác sĩ tham gia trực khẩn trương chạy đua với thời gian và ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân.

Các bác sĩ trao đổi tình trạng bệnh nhân đột quỵ cấp qua Viber. Ảnh: HL

Ngay khi bệnh nhân được đưa vào phòng chẩn đoán hình ảnh để xem xét tình trạng đột quỵ thì bác sĩ chuyên Khoa nội thần kinh, can thiệp mạch máu cũng có mặt hội chẩn để đưa ra quyết định, tránh mất thời gian chuyển bệnh nhân lòng vòng.

Trường hợp bệnh nhân Kim Chi nhập viện với tình trạng đột ngột liệt nửa người phải méo miệng lơ mơ, có tiền sử rung nhĩ, đái tháo đường, nhồi máu não cũ.

Sau khi khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ, chỉ trong vòng 30 phút từ lúc nhập viện, bệnh nhân đã được xét nghiệm cơ bản và chụp CT xong để tiến hành các bước tái thông mạch máu bị tắc. Những trường hợp này, theo các bác sĩ 80% bệnh nhân cầm chắc cái chết nếu không điều trị sau 6 tiếng đồng hồ.

Các bác sĩ tham gia quy trình cấp cứu bệnh nhân Kim Chi bị đột quỵ. Ảnh: HL

PGS-TS Lê Văn Phước, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết: “Cứ mỗi phút trôi qua, bệnh nhân mất khoảng 2 triệu tế bào thần kinh và cứ 30 phút trôi qua, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân giảm 10%. Do đó điều trị đột quỵ não cấp càng sớm càng hiệu quả. Thời gian từ lúc nhập viện đến khi tiến hành lấy huyết khối cho bệnh nhân chỉ 30 phút, khá nhanh so với khuyến cáo trên thế giới là dưới 60 phút”.

Đánh giá hiệu quả của quy trình cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ, TS-BS Trần Xuân Trường, Trưởng khoa Nội tổng quát 9B1, nhận xét trường hợp bệnh nhân Kim Chi nhờ được can thiệp sớm nên hiệu quả phục hồi rất tốt. Do bệnh nhân có bệnh sử rung nhĩ, nguy cơ tắc mạch nên cần theo dõi sau đột quỵ tiếp.

TS Trường chia sẻ từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân được can thiệp trong thời gian vàng nhưng đã ở giờ thứ năm, thứ sáu sau khi đột quỵ nên dù được cứu sống, thời gian hồi phục cũng rất lâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm