Bác sĩ quân y cấp cứu F0 ở phường đông dân nhất TP.HCM

Từ lâu, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân được biết đến là phường có số dân đông nhất ở TP.HCM với hơn 214.000 nhân khẩu. Thời điểm dịch COVID-19 len lỏi đến mọi ngóc ngách của TP, nơi đây cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

Gian nan tìm nhà, tận tình cứu chữa F0

Từ đầu thời điểm dịch COVID-19 đến nay, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân đã ghi nhận hơn 1.700 ca F0. Địa phương đang quản lý gần 300 ca F0 cách ly tại nhà. Mấy ngày qua, thực hiện chiến lược xét nghiệm bóc tách F0, nhiều mẫu test nhanh được phát hiện dương tính đồng nghĩa số ca F0 cần khám bệnh, chăm sóc, cấp cứu càng nhiều. Vừa qua, chống dịch cấp bách, TP.HCM được Quân đội nhân dân điều động nhân lực hỗ trợ. Phường Bình Hưng Hòa A cũng tiếp nhận sáu nhân sự đến từ Học viện Quân y chi viện.

Các bác sĩ (BS) và học viên được giao nhiệm vụ phụ trách hai trạm y tế lưu động của phường Bình Hưng Hòa A.

Trong cơn mưa rả rích chiều 24-8, dưới sự dẫn đường của hai dân quân tự vệ, Trung úy - BS Nguyễn Trọng Đức, Trưởng trạm y tế lưu động, cùng hai học viên Học viện Quân y Nguyễn Ngọc Đức và Nguyễn Quang Dũng chở nhau bằng xe máy đến từng khu phố đang giăng dây để tìm các F0 hỏi bệnh và thăm khám. Địa bàn rộng, mỗi nhà cách xa nhau, số nhà rắc rối khó tìm, thậm chí tìm nhầm địa chỉ nhà này thành nhà khác nên phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, ba người mới đến được ba nhà.

Ở số nhà 142, khu phố 3, đường Ấp Chiến Lược, phường Bình Hưng Hòa A, khi nghe BS đến, anh Nguyễn Quang Trung, con ông Nguyễn Quang Nhoanh (71 tuổi) mắc COVID-19, mừng rỡ mời BS vào phòng ông đang cách ly thở ôxy.

Ở đây, BS Đức ân cần thăm hỏi ông và dặn dò ăn uống đầy đủ, bổ sung nước, vitamin tổng hợp, đồng thời lưu ý người nhà cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân để tránh trở thành F0 tiếp theo.

Anh Trung tâm sự gia đình có chín người cùng sinh sống nhưng chỉ mình ông Nhoanh mắc COVID-19 nên được cho cách ly ở phòng riêng. Ông Nhoanh mắc COVID-19 và tự cách ly đã được năm ngày. “Được BS thăm khám kiểm tra sức khỏe, thuốc thang cho ông tôi thấy an tâm hơn. Hôm nay chỉ số đo SpO2 của ông là 95 nên tôi rất lo lắng. Tôi cũng được BS dặn dò truyền đạt cách hít thở sâu cho ông khi cảm thấy khó thở và cụ ông cải thiện liền. BS cũng căn dặn kỹ người nhà phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, khử khuẩn, xịt cồn cho ướt hết tay... khi tiếp xúc với ông̣” - anh Trung chia sẻ.

BS Đức kể nhận nhiệm vụ từ ngày 23-8, đến nay anh đã cùng các tổ y tế địa phương phối hợp cấp cứu hoặc độc lập tác chiến cấp cứu khoảng 12, 13 ca bệnh.

BS Đức cho hay anh vừa nhận cuộc gọi cầu cứu của một người chồng khi cô vợ khó thở ở khu xóm trọ nghèo vào lúc 0 giờ. Ngay trong đêm, anh cùng đồng đội đã ôm thuốc tiêm, bình ôxy chạy xe máy đến. Khu nhà trọ chắc tầm 12 m2, người chồng cho biết đã từng mắc COVID-19 và có một con nhỏ.

Sau khi được cho thở ôxy, tình trạng người vợ đã cải thiện, BS Đức đánh giá chị chưa cần chuyển viện và cần theo dõi sát. Hiện người chồng cập nhật sức khỏe của chị đã khá hơn. Một số ca bệnh khác sau khi được BS Đức tư vấn tập thở và trấn an tâm lý thì bệnh nhân đã không còn gọi lại kêu cứu.

Bác sĩ quân y cùng các học viên đi thăm khám, cấp cứu cho bệnh nhân F0. Ảnh: NGUYỆT NHI

Từ ngày 27-8, TP.HCM sẽ phát thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 27-8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP.HCM sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào cộng đồng để điều trị cho F0.

Molnupiravir là sản phẩm được hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, nhằm điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình. Hiện viên nang Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất. Stellapharm sẽ cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116.000 F0 tại cộng đồng ở TP.HCM.

Xác định chưa kiểm soát được dịch thì chưa về

“Thực sự tôi đã chuẩn bị tâm lý, tư thế sẵn sàng vào đây chống dịch từ khá lâu rồi, chỉ đợi lệnh là lên đường” - BS Đức chia sẻ.

Cũng theo tâm sự của BS Đức, khi được nghe, nhìn, tiếp xúc trực tiếp ở địa phương mới thấy được sự vất vả của lực lượng y tế và nhân sự quản lý ở cơ sở bởi phải chịu trách nhiệm chăm lo, quản lý hơn 214.000 nhân khẩu.

Qua thực tế khám bệnh tại nhà cho F0, BS Đức nhìn nhận người dân còn hiểu biết hạn chế khi tự chăm sóc tại nhà, cần được quan tâm, hướng dẫn cách chăm sóc và phòng tránh có thêm nhiều F0. Mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng động lực của BS Đức cùng đồng đội là người dân nghe BS đến nhà thăm khám bệnh đều rất vui mừng, tin tưởng.

“Khi tôi đến 10 nhà F0 thì hầu như cả 10 nhà đều rất niềm nở, vui mừng khi biết tôi là BS quân y” - BS Đức kể.

Là người con quê hương Bắc Giang nhưng khi TP.HCM trở thành tâm dịch, anh Nguyễn Ngọc Đức, học viên năm tư Học viện Quân y, hăng hái viết đơn tình nguyện tham gia.

“Mấy ngày nay đi thăm khám F0, tôi nhận thấy các bệnh nhân COVID-19 ở nhà chỉ có các triệu chứng nhẹ, nếu được tư vấn và hướng dẫn chữa bệnh tại nhà sẽ đạt hiệu quả. Có một số bệnh nhân khó thở, gọi điện thoại muốn cấp cứu thì chúng tôi sẽ đến tận nơi thăm khám. Bệnh nhân khó thở nhẹ được cho thở ôxy thì đều đỡ dần. Cũng có những bệnh nhân mức độ ôxy thấp thì sau khi được trấn an tâm lý và cho thở ôxy đều cải thiện” - anh Đức kể.

Bác sĩ quân y cùng các học viên đi thăm khám, cấp cứu cho bệnh nhân F0. Ảnh: NGUYỆT NHI

Quản lý trạm y tế lưu động thứ hai và nhóm học viên Học viện Quân y, Trung tá - BS Đỗ Trọng Huỳnh chia sẻ anh đã chuẩn bị tinh thần ngay từ trước khi nhận nhiệm vụ. “Qua nắm tình hình, tôi thấy phường có nhiều ca F0 trong cộng đồng, mấy ngày nay thực hiện tổng lực xét nghiệm lưu động, phân loại có nhiều mẫu xét nghiệm dương tính, dự báo số ca bệnh tăng. Do đó, chúng tôi luôn xác định tư tưởng thâm nhập các hộ dân để nắm tình hình F0, phân công mỗi người phụ trách bao nhiêu ca bệnh, hướng dẫn bệnh nhân đo sinh hiệu, nhận biết các dấu hiệu bất thường, xây dựng kịch bản ứng phó... Y tế địa phương có yêu cầu gì chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng” - BS Huỳnh khẳng định.

Hành trang người lính của BS Huỳnh và đồng đội khi vào TP.HCM, ngoài đồng phục chỉ có hai bộ quần áo dã ngoại cùng 15 kg chủ yếu lương khô. “Các anh em ở đây đều được trang bị lương khô và mì tôm. Vào đây, nếu không có cơm thì chúng tôi ăn lương khô, uống nước lọc cũng đủ. Chúng tôi đã xác định rõ vào đây là để dốc sức hỗ trợ TP.HCM chống dịch, dịch chưa được kiểm soát thì chúng tôi chưa về” - BS Huỳnh kể.

Đưa hơn 400 trạm y tế lưu động vào phục vụ F0 ở TP.HCM

Theo đại diện tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM trong việc vận hành các trạm y tế lưu động thì đến hết ngày 25-8, trên địa bàn TP.HCM đã thiết lập được 403 trạm y tế lưu động.

Các trạm y tế lưu động này kết hợp chặt chẽ với đội phản ứng nhanh của xã, phường để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị tại nhà. Các trạm cũng tham gia xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người dân. Mỗi phường thành lập 2-3 trạm y tế lưu động, tùy số lượng F0 trên địa bàn. Bất kể ngày hay đêm, khi có kết quả xét nghiệm phát hiện F0 thì các trạm y tế lưu động nắm bắt để hướng dẫn chăm sóc, tư vấn sức khỏe. Các trạm này sẽ góp phần to lớn cho việc giảm tải tại các bệnh viện điều trị COVID-19.

Để chăm sóc F0 tại nhà, trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình ôxy cố định, bình di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, bộ kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm