Bác sĩ đứng giữa chọn lựa ghép da con cứu mẹ già 82 tuổi

Chiều 9-9, TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng-Tạo hình Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết BV vừa cứu sống cụ bà TTT (82 tuổi, ngụ Bình Định) bị phỏng nặng toàn thân 34%.

Theo BS Hiệp, trường hợp người lớn tuổi bị bỏng nặng được cứu sống như cụ rất hiếm.

Trước đó, vào ngày 19-7, cụ bị phỏng dầu khi đang nấu ăn và được đưa nhập BV Đa khoa tỉnh Bình Định. Do tình trạng chuyển biến nặng, cụ được đưa vào BV Chợ Rẫy vào ngày 29-7.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cụ bị phỏng nhiều vùng lưng, hông, mông, hai tay, nhiều chỗ hoại tử, chẩn đoán phỏng 34% độ 2, độ 3.

Theo BS Hiệp, bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền tăng huyết áp, mức độ bỏng nặng, viêm phổi, tiên lượng dè dặt. Ngoài ra, khi vào viện, vết thương có tình trạng nhiễm độc nhiễm trùng nặng và bệnh nhân bị rối loạn điện giải, cần phải ổn định tình trạng, nhanh chóng cắt lọc và ghép da.

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng-Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

“Chúng tôi rất phân vân vùng da bị hoại tử cần phải cắt lọc lớn, nếu lấy vùng da khác của người bệnh ghép vào thành ra sẽ gây tổn thương thêm nữa, liệu người bệnh có chịu được hay không. Cân nhắc tiếp, chúng tôi bàn bạc với gia đình tính phương án lấy da của người con để che phủ tạng cho mẹ trong khi chờ người mẹ phục hồi” - BS Hiệp kể lại.

Tuy nhiên, theo BS Hiệp, sau đó xét nhiều yếu tố, các BS quyết định lấy da của người bệnh để ghép trong tâm trạng lo lắng vùng da ghép sẽ không dính. 

Cụ bà đã được về nhà sau khi trải qua cơn thập tử nhất sinh vì bỏng nặng. Ảnh: BSCC

Hồi hộp chờ đợi, các BS cũng thở phào nhẹ nhõm khi lần ghép đầu tiên vùng da ghép dính tốt, không bị đào thải. Trải qua 5 lần mổ, hai cần cắt lọc vết thương hoại tử, 3 lần ghép da và các biện pháp tích cực ổn định, nâng đỡ thể trạng, cụ bà đã ổn định, ăn uống, tiếp xúc tốt, đi lại, ngồi dậy khá tốt và được xuất viện. Dự kiến cụ sẽ được tái khám để xem xét sẹo co rút ở hông, tay và tập vật lý trị liệu sau này.

Theo BS Hiệp, người lớn tuổi bị suy giảm miễn dịch toàn bộ hệ thống cơ quan, khó lành thương hơn nhiều so với người trẻ. Khi bị bỏng, người bệnh nên xử trí giảm nhiệt nhanh chóng và vệ sinh vùng bị bỏng. Đối với bỏng dầu và nước sôi, nên ngâm hoặc dội phần chi thể với nước sạch, nhiệt độ tốt nhất là 25 độ C, sau đó đưa đến cơ sở y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm